Phát động cuộc thi giới thiệu sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh Những chỉ dẫn đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công nghiệp hóa ở Việt Nam |
Vở kịch hát “Nợ nước non” của tác giả Nguyễn Thế Kỷ, nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên đạo diễn, Nhà hát Cải lương Việt Nam thực hiện.
Đây là phần đầu dự án nghệ thuật mang tính sử thi về Chủ tịch Hồ Chí Minh, khắc họa giai đoạn thiếu thời cho đến khi Người lên tàu sang Pháp tìm đường cứu nước. Đồng thời khắc họa hình ảnh Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Tất Thành, cùng mẹ Hoàng Thị Loan, cha Nguyễn Sinh Sắc… trong không gian văn hóa các vùng miền từ Bắc tới Nam...
Vở kịch hát “Nợ nước non” là những lát cắt, khoảnh khắc lịch sử mang tính quyết định để làm nổi bật giai đoạn quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp của Bác |
Theo nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên, chuyện về Bác nhiều người đã biết, đã thuộc nhưng thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, mỗi nghệ sĩ sẽ kể câu chuyện theo cách riêng của mình, vấn đề phải bảo đảm vở diễn là công trình mang tính nghệ thuật cao, khán giả thấy thuyết phục.
“Nợ nước non” dàn dựng ở thời điểm này hướng tới sân khấu cải lương đương đại, với ngôn ngữ nghệ thuật tổng hợp, có cả ca, múa, nhạc, tạo nên nhiều cảnh diễn nghệ thuật xúc động, lôi cuốn…”- nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên cho hay.
Thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu là vinh dự, tự hào nhưng cũng là áp lực với các văn nghệ sĩ.
Nghệ sĩ Minh Hải, người đóng vai Nguyễn Tất Thành trong kịch hát “Nợ nước non” thừa nhận khá lo lắng khi nhận vai diễn này. Tuy nhiên, nghệ sĩ cho biết, từ lòng ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự hào khi được hóa thân vào hình ảnh một vĩ nhân, qua thời gian tập anh thấy tự tin hơn, áp lực cũng vơi dần.
“Tôi đã nỗ lực giảm 6 cân để có dáng hình thư sinh, khuôn mặt gầy xương xương; nghiên cứu các tư liệu để thể hiện tinh thần, phong thái của Người… để có một hình tượng Nguyễn Tất Thành đúng với ý đồ mà tác giả và đạo diễn mong muốn”- nghệ sĩ Minh Hải nói.
Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức chia sẻ thêm, nghệ sĩ không chỉ đóng vai Bác Hồ mà là thể hiện hình tượng nghệ thuật về Bác bằng trái tim và lòng tôn kính đối với vị lãnh tụ của dân tộc. Mỗi nghệ sĩ đều có một Bác Hồ của riêng mình, thông qua trí tưởng tượng của chính họ. Ông tin rằng, các tác phẩm sân khấu thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sẽ luôn luôn hấp dẫn khán giả.
Trước đó, Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp với Nhà Xuất bản văn học, Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt đã công bố hai công trình đặc biệt là vở sân khấu và cuốn tiểu thuyết có cùng nguồn gốc văn học, cùng tên gọi “Nợ nước non”, nằm trong bộ sử thi nghệ thuật 3 phần “Nước non vạn dặm” của tác giả Nguyễn Thế Kỷ.
Nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ, tác giả hai “công trình” trên cho biết, thực hiện vở diễn và tiểu thuyết “Nợ nước non” phần 1 cũng như bộ sử thi nghệ thuật “Nước non vạn dặm” về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là thách thức lớn với ông, bởi đã có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật đồ sộ về Người, được công chúng ghi nhận và khắc sâu vào tâm trí. Tuy vậy, ông vẫn dành tâm huyết thực hiện công trình để thể hiện tình cảm kính yêu Bác sâu sắc và đóng góp thêm những tác phẩm văn học, nghệ thuật về Người.
Vở sân khấu và tiểu thuyết “Nợ nước non” có nội dung về thời thơ ấu và tuổi trưởng thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là quá trình thay đổi, trưởng thành về nhận thức, lòng yêu nước, chí căm thù quân xâm lược, nung nấu quyết tâm tìm đường cứu nước của thanh niên Nguyễn Tất Thành.
Trong đó, vở sân khấu “Nợ nước non” là sự kết hợp giữa nghệ thuật sân khấu cải lương và một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác như dân ca ví, giặm, ca Huế, bài chòi, dân ca Nam bộ.
Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên cho biết, tác giả và đạo diễn chọn những lát cắt, khoảnh khắc lịch sử mang tính quyết định để làm nổi bật giai đoạn quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp của Bác bằng nghệ thuật sân khấu truyền thống đặc sắc.
Dự kiến, hai tập tiếp theo của bộ tiểu thuyết và hai phần còn lại của tác phẩm sân khấu “Nước non vạn dặm” có tên gọi “Lênh đênh bốn biển” và “Người về” dự kiến ra mắt công chúng vào năm 2023 và 2024.