Phú Yên - Khánh Hòa - Ninh Thuận "bắt tay" phát triển kinh tế - xã hội Ninh Thuận phấn đấu có thêm 20-30 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP Khởi động dự án đường kết nối Khánh Hoà, Lâm Đồng và Ninh Thuận |
Theo Đề án này, tỉnh Ninh Thuận dự kiến mở tuyến phố đi bộ tại đường 16/4, đường Hoàng Diệu và đường Trần Quang Diệu (TP. Phan Rang - Tháp Chàm).
Địa phương chia thành 2 giai đoạn tổ chức. Trong đó, giai đoạn thí điểm sẽ mở phố đi bộ từ 18h đến 23h các ngày thứ Sáu, thứ Bảy hàng tuần, bắt đầu từ tháng 4/2024 đến hết năm 2025. Dự kiến khai trương vào Ngày Giải phóng Ninh Thuận (16/4/2024).
Tỉnh Ninh Thuận dự kiến mở phố đi bộ ở Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: Đức Thảo |
Ở giai đoạn sau thí điểm, tỉnh này sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của tuyến phố đi bộ, căn cứ tình hình thực tiễn để có phương án đầu tư các hạng mục cơ sở hạ tầng; các hoạt động văn hóa nghệ thuật, các loại hình dịch vụ; mở rộng qui mô, phạm vi và thời gian hoạt động.
Nội dung hoạt động chính của tuyến phố đi bộ bao gồm các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; các hoạt động ẩm thực; hoạt động dịch vụ, mua sắm và hoạt động thể thao giải trí.
Ninh Thuận cũng tổ chức không gian toàn tuyến đi bộ theo 7 khu vực, trong đó gồm cả khu vực Chợ đêm hiện trạng đã hoạt động.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng dự kiến đầu tư các công trình cảnh quan điểm nhấn, bao gồm Cổng chính tuyến phố đi bộ; Sân khấu đa năng hiện đại; Sân khấu văn hoá nghệ thuật bản sắc địa phương; Cung đường Pavillion giao thoa; Cung đường di sản gốm Bàu Trúc; Cung đường đoàn kết phát triển; Giàn nhạc nước phao nổi.
Sơ đồ tổ chức hoạt động tuyến phố đi bộ. Ảnh: Sở VHTTDL Ninh Thuận |
Ước tính, tổng vốn đầu tư khoảng 51,477 tỷ đồng cho 2 giai đoạn, trong đó vốn ngân sách đầu tư khoảng 26,077 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn xã hội hóa.
Với việc ban hành Đề án tổ chức thí điểm tuyến phố đi bộ trên địa bàn TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận kỳ vọng góp phần xây dựng một số sản phẩm mới phục vụ, đáp ứng nhu cầu người dân và du khách về đêm có tính đặc trưng và có sức hấp dẫn cao, thu hút được đông đảo người dân tham gia.
Đồng thời quảng bá, giới thiệu những nét đặc trưng văn hóa truyền thống của người dân Ninh Thuận; từng bước xây dựng TP. Phan Rang - Tháp Chàm giàu đẹp, văn minh, phấn đấu trở thành thành phố du lịch, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới.
Năm 2023, Ninh Thuận đón 2,9 triệu lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó khách quốc tế đạt 40.000 lượt. Công suất sử dụng phòng đạt 65%, doanh thu du lịch đạt 2.300 tỷ đồng.
Dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, lượng khách đến tỉnh “tăng cao chưa từng có”, ước đạt 99.000 lượt, tăng 17,9% so cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 97 tỷ đồng.