Ninh Thuận: Đề án khuyến công tiếp sức cho doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ nho Ninh Thuận: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 9,44% |
Những năm qua công tác khuyến công được nhận định là trợ lực tốt cho công nghiệp nông thôn (CNNT) của tỉnh Ninh Thuận phát triển, nhằm mục đích làm rõ vai trò của khuyến công, Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Thanh Bình – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Ninh Thuận.
Ông Phạm Thanh Bình – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Ninh Thuận |
Khuyến công ngày một chứng minh được vai trò cũng như sức hút với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn, ông nhận định ra sao về ý kiến này?
Trong những năm qua, công tác khuyến công tỉnh Ninh Thuận được triển khai thực hiện đồng bộ, mang lại hiệu quả thiết thực, nội dung khuyến công hỗ trợ luôn gắn với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn. Từ đó, khẳng định vai trò là đòn bẩy trong việc huy động các nguồn lực vào đầu tư phát triển CNNT, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Với các nội dung cụ thể hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh ngày càng gắn với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, chính quyền tại địa phương có cái nhìn và đánh giá đúng được hiệu quả của công tác khuyến công. Các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nông thôn thụ hưởng chính sách khuyến công từng bước phát triển, hoàn thiện mô hình sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương phù hợp với nhu cầu thị trường.
Có thể khẳng định rằng vai trò của hoạt động khuyến công đã tác động rất lớn đến công nghiệp nông thôn của tỉnh, qua đó nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh của các sản phẩm tiềm năng và đặc thù của tỉnh trên thị trường.
Máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến nông lâm sản tại Công ty CP Nắng và Gió thuộc chương trình khuyến công quốc gia năm 2022 |
Những kết quả đạt được của công tác khuyến công tại địa phương thời gian qua, thưa ông?
Việc triển khai các hoạt động khuyến công đã được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Ninh Thuận, phối hợp với phòng Kinh tế thành phố, phòng inh tế - Hạ tầng các huyện lựa chọn vào các lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, tiềm năng, có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm phát huy tối đa nguồn lực, năng lực hiện có của các cơ sở CNNT; phát triển các sản phẩm CNNT tiêu biểu; phấn đấu xây dựng được các đề án điểm, đề án nhóm.
Với sự hỗ trợ của các chương trình, đề án khuyến công đến nay, số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, tăng trưởng cả về số lượng, chất lượng, quy mô, trình độ tổ chức quản lý và tay nghề của người lao động được thể hiện thông qua các kỳ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Kết quả giai đoạn 2012 - 2022 triển khai thực hiện Chương trình khuyến công tỉnh Ninh Thuận theo Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công, đã tổ chức triển khai thực hiện được 114 đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí thực hiện hơn 50,3 tỷ đồng, đã tác động và hỗ trợ cho 119 cơ sở, doanh nghiệp, trong đó có 54 doanh nghiệp nhỏ và vừa; 6 hợp tác; 1 tổ hợp tác; 58 hộ kinh doanh.
Qua đó giúp các cơ sở sản xuất tăng trưởng đem lại hiệu quả cao và khả năng cạnh tranh trên thị trường để hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động; mang lại hiệu quả phát triển kinh tế xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp nông thôn tại các địa phương theo hướng bền vững.
Máy móc thiết bị tại Công ty TNHH SX-TM-DV Ba Mọi được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2021 |
Ông cho biết định hướng hỗ trợ khuyến công của tỉnh trong thời gian tới?
Trong thời gian tới, Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chính sách khuyến công; tăng cường các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác truyền thông. Tăng cường công tác nắm địa bàn, bám sát cơ sở, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc để có những biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát lại cơ chế, chính sách đã ban hành để tham mưu điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện cho phù hợp với thực tế của địa phương và phù hợp với các các văn bản pháp lý quy định cơ chế, chính sách về hoạt động khuyến công của Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi, quản lý chương trình, kế hoạch, đề án, dự án khuyến công, đồng thời tăng cường hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc thực hiện các hoạt động khuyến công.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ với các Phòng nghiệp vụ Sở Công Thương tỉnh và Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) để triển khai tốt các hoạt động khuyến công quốc gia và địa phương, bảo đảm thiết thực và đạt hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!