Ninh Bình: Phát triển kinh tế trang trại gắn với xây dựng nông thôn mới
Ảnh Internet |
Giúp người dân nâng cao thu nhập
5 năm trở lại đây, dựa vào thế đất rộng, xã Thạch Bình, huyện Nho Quan đang phát triển khá mạnh việc xây dựng các trang trại nhỏ. Các hộ gia đình nhận một số diện tích đồi gò nhất định, có thể là cả một quả đồi, hoặc nửa quả đồi, hay là cả một vùng thung lũng giữa hai quả đồi để trồng cây lấy gỗ, chủ yếu là bạch đàn, keo tai tượng và trồng cây ăn quả, đồng thời kết hợp với chăn nuôi.
Ví như trang trại của anh Lưu Văn Chênh, thương binh hạng 2/4, rộng 12ha, anh trồng hơn 10 nghìn cây lấy gỗ, một ha nhãn 200 cây, còn cả một rừng na, chuối. Đồng thời, anh nuôi 9 con bò, 48 con dê nái, chưa kể gà, bồ câu, lợn... Thu nhập từ các trang trại nhỏ đang từng ngày được nhân lên, hiện nay, thu nhập của các gia đình đạt khoảng 2 triệu đồng/tháng. Nhưng khoảng mười năm nữa, với số lượng hàng nghìn cây lấy gỗ, mỗi hộ đến độ thu hoạch với giá mỗi cây khoảng 100 nghìn đồng thì tài sản của các hộ gia đình sẽ là rất lớn.
Còn tại huyện Gia Viễn, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, bền vững là một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện. Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn huyện Gia Viễn có khoảng trên 500.000 con với nhiều mô hình trang trại lớn. Nhiều vùng trước đây thuộc diện đặc biệt khó khăn, nay đã có chuyển biến rõ rệt, dần trở thành vùng nuôi con đặc sản.
Một số địa phương xuất hiện nhiều mô hình trang trại là các xã Gia Thịnh, Gia Xuân, Gia Hoà, Gia Vân, Gia Minh, Gia Phương đã mang lại thu nhập đáng kể cho người nông dân, đồng thời giúp họ có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao đời sống.
Để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, UBND huyện Gia Viễn đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân chuyển từ hình thức chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng công nghiệp; đặc biệt là chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang chăn nuôi tập trung, đầu tư các con nuôi đặc sản có giá trị, dễ tiêu thụ trên thị trường.
Tiến tới mục tiêu 450 trang trại trên toàn tỉnh
Có thể khẳng định, các mô hình kinh tế trang trại đã góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở đó mở ra hướng làm giàu cho người nông dân. Mặc dù vậy, theo Sở NN&PTNT Ninh Bình, trang trại và kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh nhà vẫn chủ yếu phát triển theo tính tự phát, trình độ năng lực quản lý, tiếp cận thông tin về thị trường của chủ trang trại còn hạn chế, thiếu mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Vấn đề thiếu vốn trong sản xuất là khá phổ biến và việc vay vốn lại khó khăn nên chưa đủ sức đầu tư mở rộng.
Mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 450 trang trại và có từ 5-10 trang trại có sản phẩm đăng ký trên sàn giao dịch. Giá trị sản xuất hàng hóa của các trang trại chiếm 25% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Mỗi trang trại tạo việc làm cho 10-15 người với thu nhập bình quân đạt 4-5 triệu đồng/người/tháng... Để đạt được mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp Ninh Bình đưa ra các giải pháp như: Lựa chọn mô hình phát triển kinh tế trang trại phù hợp với từng vùng.
Cụ thể: miền núi là các trang trại lâm nghiệp, trồng rừng kinh tế và cây bản địa lấy gỗ có giá trị cao, chăn nuôi nông lâm kết hợp; vùng đồng bằng phát triển mô hình trang trại tổng hợp kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, cấy lúa với nuôi trồng thủy sản, đi cùng với đó là hoạt động dịch vụ; vùng ven biển phát triển trang trại chăn nuôi tập trung, trồng rừng ven biển kết hợp với chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp; hình thành các vùng trang trại tập trung với quy mô phù hợp gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, tạo điều kiện cho các chủ trang trại được tiếp cận nhiều nguồn vốn tín dụng, nhất là đối với vốn tín dụng ưu đãi với thủ tục vay đơn giản, hợp lý, có sự ưu tiên và có thể tín chấp bằng công trình đầu tư trong trang trại...
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Ninh Bình, tính đến thời điểm 31/3/2016, toàn tỉnh có 950 trang trại, gia trại; trong đó có 272 trang trại đạt được tiêu chí của Thông tư 27-Bộ NN&PTNT, còn lại là gia trại. |