Khai thác, chế biến Niken tại Việt Nam: Tiềm năng còn bỏ ngỏ - Bài 1: Cơn “khát” niken vẫn chưa dừng Khai thác, chế biến Niken tại Việt Nam: Tiềm năng còn bỏ ngỏ - Bài 2: Cần cơ chế đặc thù |
Với vai trò là thành phần chính trong pin lithium-ion cung cấp năng lượng cho động cơ điện, liệu sự kiện này có thể tạo đà cho xu hướng tăng giá mới, hay chỉ là nhịp điều chỉnh trong xu hướng giảm trung hạn của giá niken trước sức ép nguồn cung?
Giá niken đang phục hồi từ đáy ba năm
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá niken giao dịch liên thông với Sở Giao dịch Kim loại London (LME) đã thoát khỏi mức mức đáy của ba năm và bật tăng gần 7% trong tuần giao dịch trước, đánh dấu mức tăng theo tuần lớn nhất kể từ tháng 7/2023. Đà tăng chủ yếu xuất phát từ tâm lý lo ngại rằng Mỹ sẽ cấm vận một số kim loại của Nga trong gói trừng phạt mới nhất kể từ khi bùng nổ xung đột Nga – Ukraine.
Diễn biến giá niken LME |
Tuy nhiên, những diễn biến mới cho thấy đà tăng của giá niken đã chững lại ngay sau khi gói trừng phạt chính thức của Mỹ bỏ qua hạn chế với các kim loại công nghiệp từ Nga, bao gồm niken. Dù vậy, việc giá bật tăng mạnh ngay khi có tin đồn cho thấy thị trường rất nhạy với kim loại tương lai này.
Trước đó, vào ngày 15/12/2023, Anh cũng đã tuyên bố cấm các tổ chức, cá nhân giao dịch một số kim loại của Nga bao gồm đồng, nhôm, chì, kẽm, niken... Động thái này của Anh mặc dù không khiến giá các mặt hàng kim loại tăng quá mạnh, nhưng đã khiến việc giao dịch các mặt hàng này trở nên khó khăn hơn.
Các thương nhân và nhà đầu tư đã kêu gọi tẩy chay kim loại từ Nga, khiến nhiều lượng hàng trong kho LME “nằm yên bất động”, khó đẩy ra ngoài thị trường. Theo dữ liệu của LME, trong tháng 1, nhôm có nguồn gốc từ Nga trong các kho của LME chiếm tới 90%, trong khi thị phần của đồng và niken lần lượt tăng lên 46,5% và 36%, từ mức 43% và 31% trong tháng 12/2023.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam |
“Trong bối cảnh xung đột địa chính trị vẫn tiềm ẩn nguy cơ leo thang, thị trường niken có thể một lần nữa biến động mạnh bởi nguy cơ các nước lớn ban hành lệnh cấm kim loại từ Nga. Tuy nhiên, trên thực tế, tác động tới đà tăng giá cũng sẽ hạn chế hơn do tình trạng dư thừa nguồn cung niken, ít nhất là trong ngắn hạn”, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam đánh giá.
Thị trường dư cung nên tác động còn hạn chế
Thị trường niken đã và đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung do sản lượng tăng vọt từ Indonesia trong hơn hai năm qua. Quốc gia Đông Nam Á này có trữ lượng niken lớn nhất thế giới và chiếm hơn một nửa nguồn cung niken toàn cầu.
Vào năm 2023, sản lượng niken của Indonesia đạt 1,8 triệu tấn, tăng khoảng 133% so với năm 2020. Điều này đã kéo giá niken lao dốc mạnh. Vào cuối năm 2023 đầu 2024, giá niken duy trì quanh 16.000 USD, thấp nhất kể từ năm 2021 và giảm khoảng 67% từ mức đỉnh 48.000 USD thiết lập vào tháng 3/2022.
Mặc dù hiện Indonesia đã cấm xuất khẩu quặng niken, nhưng điều này đã dẫn đến làn sóng đầu tư từ các quốc gia khác để sản xuất niken trên chính Indonesia. Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), khối lượng sản xuất niken của Indonesia đã tăng hơn 50% vào năm 2022. Như vậy, sản lượng niken từ Indonesia vẫn là một nguồn cung cấp dồi dào và dự kiến tiếp tục tăng cao, đóng góp đáng kể vào nguồn cung toàn cầu.
Theo dự báo của Tập đoàn Tài chính Macquarie, thị trường niken có thể duy trì mức thặng dư trên 100.000 tấn trong vài năm tiếp theo. Yếu tố nguồn cung dư thừa vẫn sẽ là một trong những lực cản chính kìm hãm đà tăng của giá niken trong ngắn và trung hạn.
Cân bằng cung – cầu thị trường niken |
Mặc dù vậy, niken được tiêu thụ nhiều nhất trong hai phân khúc chính là sản xuất thép không gỉ và chế tạo pin, lần lượt chiếm thị phần khoảng 60% và 20%. Trong bối cảnh chuyển đổi sang năng lượng sạch và cuộc cách mạng xe điện ngày càng được chú trọng, nhu cầu niken trong chế tạo pin xe điện dự kiến bùng nổ trong tương lai.
Con số 20% có thể tăng cao hơn nữa. Khi đó, bài toán nguồn cung có thể chuyển đổi từ việc dư thừa sang cân bằng hoặc thậm chí là thiếu hụt. Do vậy, để tạo đà tốt cho việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh cũng như việc tận dụng nguồn kim loại giá thấp, trước các biến động quốc tế khó lường, các quốc gia cũng cần phải tăng cường sự chủ động nguồn cung ngay từ sớm.
Tiềm năng niken của Việt Nam cần sớm được “đánh thức”
Trong báo cáo công bố tháng 1, USGS cho biết tổng trữ lượng niken trên toàn thế giới hiện nay ước tính vào khoảng 130 triệu tấn, trong đó ba nước dẫn đầu là Indonesia (55 triệu tấn), Australia (24 triệu tấn) và Brazil (16 triệu tấn). Riêng tại Việt Nam, theo nghiên cứu công bố trên Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (Bộ Công thương), tổng trữ lượng và tài nguyên niken ước tính vào khoảng 3,6 triệu tấn (tài nguyên bao gồm cả trữ lượng được phỏng đoán và chưa được khám phá).
Phân bổ trữ lượng niken trên toàn cầu |
Mặc dù trữ lượng niken của Việt Nam so với các nước trên không lớn nhưng nếu Nhà nước có những cơ chế chính sách kịp thời để “đánh thức” tiềm năng của ngành khai thác, sản xuất niken thì trong tương lai không xa sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển năng lượng tái tạo của công nghiệp xe điện, giúp Việt Nam làm chủ trong cuộc cách mạng xanh với lĩnh vực khai thác khoáng sản.
Vào năm 2018, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng vàng, đồng, niken, molipden đến năm 2025, có xét đến năm 2035, trong đó đã nêu rõ hướng đi cho hoạt động khai thác khoáng sản niken. Theo đó, phấn đấu sản lượng khai tuyển đạt 118.000 tấn tinh quặng niken vào năm 2025. Giai đoạn đến năm 2025, đầu tư và đưa vào hoạt động 2 nhà máy sản xuất sản phẩm niken với tổng sản lượng khoảng 8.000 – 11.000 tấn/năm.
“Trong bối cảnh rủi ro địa chính trị ngày càng gia tăng, nhu cầu đa dạng hoá chuỗi cung ứng cũng được thúc đẩy, bao gồm các lĩnh vực phát triển pin xe điện sử dụng kim loại niken. Với tiềm năng nhất định, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển sản xuất ở vùng nguyên liệu, đóng góp cho hoạt động kinh tế trong nước”, ông Quang Anh nhận định.