Thứ hai 21/04/2025 08:30

Những thầy cô thương trò, mến trẻ ở vùng cao Đà Bắc

Dù điều kiện còn nhiều thiếu thốn, các thầy cô giáo vùng cao Hòa Bình vẫn cần mẫn bám trường, bám lớp, gieo chữ cho bao thế hệ học trò.

Gian nan đường đến trường, đứng lớp

Nánh Nghê là xã vùng 3 (vùng đặc biệt khó khăn) của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Nơi đây có địa hình phức tạp, đồi núi chia cắt, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn. Để tới được đây, phóng viên phải mất gần 4 giờ đồng hồ từ trung tâm TP. Hòa Bình vượt con đường rừng nhỏ hẹp, quanh co, khúc khuỷu, toàn đèo dốc dài chừng 100km.

Đường sá đi lại giữa các điểm trường ở xã Nánh Nghê còn rất khó khăn, vất vả

Là người gắn bó với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Nghê 26 năm qua, thầy Xa Văn Phanh nhớ lại: “Từ năm 1997, tôi bắt đầu lên Nánh Nghê công tác, ngày đó còn chưa có đường bộ, bắt buộc phải đi thuyền lênh đênh ngược lòng hồ Hòa Bình mới tới được điểm trường giảng dạy. Ở nơi vùng cao heo hút, bốn bề là núi, chỉ có tiếng chim rừng làm bạn, mới cảm nhận rõ sự khó khăn, vất vả của bà con nơi đây”.

Thầy Xa Văn Phanh đã có 26 năm giảng dạy, gắn bó với học sinh vùng cao xã Nánh Nghê

Theo thầy Phanh, vào thời điểm đó, việc vận động, duy trì học sinh đến lớp là cả một vấn đề nan giải, bởi cái ăn không đủ nghĩ gì tới chuyện học hành. Cuộc sống quá khó khăn nên việc học sinh nghỉ học giữa chừng hoặc đi học theo kiểu “giã gạo” diễn ra thường xuyên. Sau 1 ngày đứng lớp, các thầy cô phải tranh thủ buổi tối tìm đến nhà học sinh để vận động phụ huynh đưa con em đến trường.

Khoảng 10 năm trở lại đây, huyện Đà Bắc thống nhất chủ trương để trường Đồng Nghê thực hiện mô hình bán trú, hỗ trợ mọi chi phí, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh ở các xóm bản cách xa điểm trường trung tâm xã, được ăn ở và học tập tại trường. Qua đó, tỷ lệ học sinh đến lớp chuyên cần hơn, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao.

Yêu nghề, thương trẻ, các thầy cô giáo mới đủ nhiệt huyết tình nguyện lên vùng cao giảng dạy

Cô Đinh Thị Kiền (29 tuổi, giáo viên lớp 6A) chia sẻ: “Nhà tôi ở xã Vân Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, tháng 3/2023, tôi được phân công tác về trường Đồng Nghê giảng dạy, khoảng cách từ nhà tôi đến trường là 180km. Do đường sá xa xôi, cách trở nên tôi phải ở lại “cắm bản” từ thứ 2 đến thứ 6 mới được về nhà để thăm chồng và chăm sóc con cái”.

Cô Kiền nói, làm giáo viên vùng cao “cắm bản”, có khi cả tháng mới về thăm nhà 1 lần, con cái xa bố mẹ, cũng nhiều thiệt thòi lắm. Dẫu biết vất vả là thế, điều kiện sinh hoạt thì thiếu thốn, nhưng nhìn bao thế hệ học trò nơi đây lại không nỡ rời bỏ… bởi trót coi các em như chính con đẻ của mình.

Cô Đinh Thị Kiền vượt quãng đường 180km từ nhà đến trường Đồng Nghê để gieo chữ cho học trò vùng cao

“Thương trò, mến trẻ” gắn bó với vùng cao

Là cô giáo trẻ mới về công tác tại trường, cô Phạm Phương Linh (23 tuổi, thị trấn Đà Bắc) tâm sự: “Sau khi tốt nghiệp đại học ngành sư phạm, em liền đăng ký lên trường Đồng Nghê (xã Nánh Nghê) để dạy học. Do chưa quen nguồn nước, môi trường sống, nên em cùng nhiều thầy cô mới về bị ốm cả tuần. Hàng ngày, các thầy cô phải dậy từ lúc 5 - 6h sáng, ở nơi vùng cao heo hút này, nỗi nhớ nhà luôn túc trực, cũng bởi yêu nghề, mến trẻ mới đủ dũng cảm lên đây công tác”.

Theo cô Linh, khó khăn và “ám ảnh” nhất là quãng đường đi lại giữa các điểm trường, toàn dốc đá cheo leo, khúc khuỷu, tưởng chừng ngã bất kì lúc nào. Nhiều hôm mưa bão, đường sá bị chia cắt, giáo viên phải ngủ lại các điểm trường cả tháng là chuyện thường.

Điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông ở xã Nánh Nghê còn rất thiếu thốn

Cô Nguyễn Thị Nhiên – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Nghê cho biết, nhà trường hiện có 38 cán bộ giáo viên, nhân viên và 258 học sinh, chủ yếu là dân tộc Tày, Mường, Dao. Trường được chia thành 3 điểm trường, trong đó xa nhất là điểm trường xóm Đăm (cách trung tâm xã 18km), điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, giao thông vô cùng khó khăn, nhất là vào mùa mưa khiến đường trơn trượt, thường xuyên sạt lở rất khó đi lại.

“Có những thầy giáo gắn bó với nhà trường, với học trò xã Nánh Nghê từ năm 1997 đến nay như thầy Xa Văn Phanh. Hay những cô giáo trẻ như cô Bùi Thị Thiên, Lý Thị Lan, Bàn Thị Hải... đã từng là học sinh của trường Đồng Nghê, nay trở về cống hiến sức trẻ, nhiệt huyết, đem kiến thức mình học được truyền đạt cho các em nhỏ. Các thầy cô đều không quản ngại xa xôi, vất vả, xa gia đình, con cái… để đến với học trò vùng cao, hy sinh tuổi xuân vì sự nghiệp giáo dục” – cô Nhiên chia sẻ.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đồng Nghê, xã Nánh Nghê, huyện Đà Bắc

Ông Đặng Minh Tấn - Chủ tịch UBND xã Nánh Nghê thông tin, toàn xã hiện có 832 hộ và khoảng 3.172 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Mường, Tày, Dao… đời sống kinh tế phụ thuộc vào nông, lâm, ngư nghiệp nên tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao.

Ông Tấn cho biết, mặc dù chỉ cách trung tâm huyện Đà Bắc hơn 80km nhưng phải mất gần 3 giờ đồng hồ qua những đoạn đường đèo dốc, quanh co và cả những con đường dân sinh nhỏ hẹp một bên là vách núi, một bên là sông Đà, men theo tỉnh lộ 433 mới đến được trung tâm xã. Dù đường sá đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhưng nhiều đoạn vẫn thường xuyên sạt lở, cảnh báo nguy hiểm mỗi khi mùa mưa lũ.

Dẫu biết vất vả là thế, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, nhưng nhìn bao thế hệ học trò xã Nánh Nghê các thầy cô lại không nỡ rời bỏ… bởi trót coi các em như chính con đẻ của mình

Chủ tịch UBND xã Nánh Nghê rất mong các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, các “mạnh thường quân” tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ địa phương trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông đường bộ để bà con đi lại thuận tiện, thúc đẩy giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Dần Thanh
Bài viết cùng chủ đề: nông thôn mới

Tin cùng chuyên mục

Chuyên gia bác tin đồn 'siêu bão' sắp vào Quảng Ninh

Đấu thầu chính thống - sao vẫn lọt sữa giả vào bệnh viện?

Mạng xã hội 'lột mặt nạ' hàng giả như thế nào?

Chủ tịch Hội Nhà báo: Nhà báo là 'chiến sĩ biên phòng' trên không gian mạng

Chung kết Business Challenges Season 7: Bùng nổ ý tưởng khởi nghiệp

Hà Nội sắp xếp phường, xã: Gọn bộ máy, lợi người dân

Chiến trường miền Đông và bản hùng ca mùa Xuân 1975

Võ Hà Linh và câu hỏi liên quan Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

MC Bích Hồng - vết trượt danh dự giữa ngày thống nhất

Bắc Giang lấy ý kiến cử tri sáp nhập tỉnh, sáp nhập xã

MC Bích Hồng xin lỗi sau phát ngôn gây sốc về hợp luyện diễu binh

Thời tiết hôm nay 20/4: Bắc Bộ tăng cấp độ nắng nóng

Thời tiết biển hôm nay 20/4/2025: Mưa rào và dông vài nơi

SCTV4 "cắt sóng" toàn bộ chương trình có MC Bích Hồng

'Lỗ hổng' quản lý thực phẩm sữa - Bài 4: Việt Nam cần sớm học hỏi kinh nghiệm quốc tế

Nhật ký một thời lửa đạn của cựu chiến binh Quảng Ngãi

Vụ lừa đảo Mr.Pips: ‘Báo động đỏ’ giới học sinh, sinh viên

Cà Mau tích cực hưởng ứng cuộc thi tiết kiệm điện 2025

Lữ đoàn 316 ôn lại ký ức cầu Rạch Chiếc sau 50 năm giải phóng

Lào Cai khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia cuộc thi tiết kiệm điện