Ngày 26/3, tại Quy Nhơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá kết quả năm 2020 và bàn giải pháp đạt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2021.
Tăng trưởng ấn tượng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro
Năm 2020, giá trị xuất khẩu đạt 13,23 tỷ USD, tăng 16,9% so với năm 2019, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ 12,37 tỷ USD, tăng 16,2% so với năm 2019, lâm sản ngoài gỗ 856,1 triệu USD, tăng 29,4% so với năm 2019.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành gỗ và các sản phẩm từ gỗ trong 2 tháng đầu năm 2021 tăng 4,3%, còn kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm 2 tháng đầu năm 2021 đạt 2.441 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước. Gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn của cả nước và là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm 2 tháng đầu năm 2021 đạt 2.441 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước |
Xuất khẩu của ngành gỗ vẫn đang ở giai đoạn thăng hoa. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 2 tháng đầu năm 2021 tương đương 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2020. Nếu đà tăng trưởng này được duy trì, con số 14-14,5 tỷ USD là mục tiêu hoàn toàn khả thi. Dù vậy, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam - nhận định, con số này vẫn ẩn chứa các khía cạnh chưa bền vững.
Phân tích về vấn đề này, ông Đỗ Xuân Lập cho biết, ngành gỗ vẫn đang đối mặt với các vụ kiện và gian lận thương mại và xu hướng các vụ kiện ngày càng phức tạp và càng tăng. Cụ thể, mặt hàng gỗ dán của Việt Nam đang bị Chính phủ Hoa Kỳ điều tra. Kết quả của điều tra này có thể sẽ có rất sớm. Chính phủ Hoa Kỳ cũng đang điều tra theo điều khoản 301 về cả ngành gỗ Việt Nam. Các tín hiệu về gỗ bất hợp pháp, về gian lận thương mại, gian lận xuất xứ đối với mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam vẫn đang diễn ra. Hiện tượng đầu tư chui, đầu tư núp bóng vẫn đang hiện hữu.
Cần thiết lập cơ chế kiểm soát nhằm ngăn chặn tình trạng trốn xuất xứ
Nắm bắt lợi thế, đẩy mạnh liên kết và giảm rủi ro trong thương mại, ông Đỗ Xuân Lập cho biết, dựa trên văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi UBND các tỉnh nhằm giảm thiểu rủi ro trong các hoạt động đầu tư FDI vào ngành gỗ, hiện Ban chính sách của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đang phối hợp với các hiệp hội để xây dựng bản tiêu chí làm nền cho các hiệp hội trong cả nước tham gia góp ý vào các dự án đầu tư FDI vào ngành gỗ khi Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh cần tham vấn. Việc này nhằm tránh tình trạng mỗi hiệp hội ở các địa phương tham vấn theo một tiêu chí khác nhau.
Ông Đỗ Xuân Lập cũng kiến nghị Chính phủ cần thiết lập cơ chế kiểm soát nhằm ngăn chặn tình trạng trốn xuất xứ, gian lận thương mại, đầu tư núp bóng. Nhóm hành động với sự đại diện của cơ quan Hải quan, Tổng cục Lâm nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam. Nhóm hành động chịu trách nhiệm xác định các công ty, mặt hàng có dấu hiệu rủi ro gian lận, từ đó kiến nghị các biện pháp xử lý. “Đây là vấn nạn của nền kinh tế chúng ta, nó cực kì nan giải và rất khó ngăn chặn, phá vỡ trật tự cả về an ninh môi trường và uy tín của ngành gỗ Việt Nam. Hiện tại, chúng ta mới dừng ở hô hào chưa có sự phối hợp, rất rời rạc và hiệu quả kém”, ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh.
Hiện tại, thị trường Hoa Kỳ đang chiếm trên 60% xuất khẩu của Việt Nam. Thị trường này tiềm ẩn nhiều rủi ro khi đang phát sinh nhiều tranh chấp thương mại. Ông Đỗ Xuân Lập cũng khuyến nghị, trong sự tác động cũng như sự chuyển dịch của thế giới, hiện tại việc đa dạng thị trường và đa dạng phương thức bán hàng là rất cần thiết, đặc biệt chú trọng thương mại điện tử.
Ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - nhận định, năm 2020, vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19, nguồn cung nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn nhưng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 13,23 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2021, ngành hàng này vẫn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu không thấp hơn 15 tỷ USD. Đây là mục tiêu khả thi, nhưng phải giải quyết tốt vấn đề về nguồn nguyên liệu. Theo đó, về nguồn nguyên liệu gỗ trong nước cần đẩy nhanh nâng cao chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Vấn đề nhập khẩu gỗ nguyên liệu cần phải tuân thủ rất nghiêm ngặt và kiểm soát rất chặt chẽ để đảm bảo nguồn gốc hợp pháp.
Về phía doanh nghiệp phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trên diện rộng hơn, thiết lập các chương trình thị trường số để kết nối với thế giới và kết nối ngay các doanh nghiệp trong nước với nhau. Tiếp tục ứng dụng công nghệ số trong việc quản trị theo dõi cả chuỗi, chu trình sản xuất cũng như ứng dụng các thành quả mới về công nghệ tự động trong điều hành và sản xuất trực tiếp.
"Mặc dù năng lực tài chính và nguồn nhân lực của các doanh nghiệp ngành gỗ trong việc mở rộng đầu tư, kinh doanh là lớn. Nhưng họ cần những quỹ đất tạo thành các khu công nghiệp gắn với logistics và có ưu đãi về tiền thuê đất. Doanh nghiệp ngành gỗ không thể thuê đất để làm ngành công nghiệp chế biến gỗ với giá ngang với các ngành công nghệ kỹ thuật cao được. Cần có cơ chế ưu đãi từng bước”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Làm tốt quan hệ quốc tế để giữ thị trường thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và các hiệp định song phương với các thị trường lớn, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, trước hết đối với thị trường Hoa Kỳ, phải bằng rất nhiều giải pháp, trong đó, vai trò của Nhà nước quan trọng hàng đầu trong việc quan hệ nhiều mặt để duy trì được thị trường này. “Năm 2020, thị trường Hoa Kỳ đạt kim ngạch xuất khẩu 7,412 tỷ USD, ngay quý I/2021, tại thị trường này cũng tăng rất cao, khoảng 36 - 37%. Nếu như thị trường này có vấn đề khó khăn, Nhà nước phải đứng ra xử lý, thích ứng. Từng doanh nghiệp, hiệp hội phải chấp hành nghiêm pháp luật, quy định của hai bên. Nhưng bản thân họ chắc không làm được tất cả”, ông Hà Công Tuấn nói.