Những người phụ nữ lan tỏa văn hóa Chăm
Từ những cô gái yêu văn hóa Chăm…
Trong câu chuyện với chúng tôi, cô gái người Chăm Hứa Thị Thu Sương rất tự hào vì công trình cụm tháp Pô Klong Garai được người Chăm dựng lên để thờ vua Pô Klong Garai, người có công lớn trong việc xây đắp hệ thống dẫn thủy nhập điền, phục vụ nông nghiệp của nhân dân trong vùng…
Văn hóa đa dạng, độc đáo của dân tộc Chăm đang được những người phụ nữ gìn giữ và phát huy |
Hướng dẫn miễn phí nhưng nụ cười lúc nào cũng thường trực trên môi Hứa Thị Thu Sương. Với em, được chia sẻ với du khách những nét văn hóa độc đáo và phong phú của dân tộc Chăm là một niềm hạnh phúc lớn lao. “Văn hóa Chăm chứa đựng vô vàn những bí ẩn, hấp dẫn nên em luôn cảm thấy hào hứng khi được nói về văn hóa của dân tộc mình” - Sương cười thật tươi, bộ trang phục truyền thống phụ nữ Chăm của Sương như rực rỡ hơn trong cái nắng chói chang.
Được biết Hứa Thị Thu Sương là 1 trong 3 cô gái Chăm hiện đang làm hướng dẫn viên tại Di tích tháp Pô Klong Garai. Sương cũng là 1 trong số ít những cô gái Chăm ở xã Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn) đã quyết tâm học lên đại học và trở về phục vụ quê hương. Với niềm đam mê với văn hóa dân tộc, Sương và các bạn đã góp phần không nhỏ để những nét đẹp của văn hóa Chăm được lan tỏa.
… Đến những người bà, người mẹ quyết giữ nghề truyền thống
Từ ấn tượng thật đẹp về Sương, tôi tiếp tục dành thời gian để ghé làng gốm Bàu Trúc và làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) – hai làng nghề của người dân tộc Chăm, cũng là điểm dừng chân của nhiều du khách khi đến với Ninh Thuận.
Trái với cuộc sống hối hả, bon chen ở bên ngoài, trong trang phục truyền thống của đồng bào Chăm, các bà, các chị, các em ở Mỹ Nghiệp lặng lẽ, khéo léo, kiên nhẫn dùng đất sét tạo nên hình thù cho những sản phẩm gốm độc đáo. Nếu như, nhiều bạn trẻ đến nay không còn mặn mà với nghề gốm truyền thống của quê hương, thì vẫn có những người phụ nữ Chăm như nghệ nhân Đàng Thị Gia sẵn sàng dành những năm tháng còn lại của cuộc đời để buồn vui, nâng niu cùng nghề gốm. Nghệ nhân Đàng Thị Gia còn là “giảng viên” thường xuyên tại các lớp dạy làm gốm do Sở Công Thương Ninh Thuận tổ chức. Từ dòng sản phẩm phục vụ nhu cầu thường ngày và sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo; ngày nay, gốm Chăm đã chuyển đổi phát triển thêm dòng sản phẩm mỹ nghệ, phong thủy…giúp người làm gốm có thêm thu nhập, để nghề gốm không lay lắt trước những đổi thay của thời cuộc.
Giống như nghề gốm, nghề dệt thổ cẩm ở làng Mỹ Nghiệp cũng trải qua không ít giai đoạn thăng trầm. Đến nay, Mỹ Nghiệp vẫn duy trì được Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ - Kinh doanh - Sản xuất Mỹ Nghiệp với 120 thành viên là đồng bào Chăm. Trong số đó có hơn 20 nghệ nhân nữ. Sau khi HTX được thành lập (năm 2009), những người phụ nữ tâm huyết với nghề dệt ở Mỹ Nghiệp đã cùng ngồi lại, sưu tầm hoa văn cổ và hướng dẫn nhau để dệt lên những sản phẩm vừa đẹp đặc trưng vừa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
Trong câu chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Thuận Thị Trào cho biết: Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của người Chăm ở Ninh Thuận nên các cô gái ở Mỹ Nghiệp đều có thể làm được công việc này. Người Chăm ở 22 làng Chăm của Ninh Thuận hiện còn nhiều người mặc trang phục truyền thống. Mỗi dịp lễ tết, cưới hỏi, ma chay… làng Chăm nào cũng qua Mỹ Nghiệp để mua trang phục, đồ dùng từ thổ cẩm, chính vì vậy, HTX vẫn duy trì được công việc cho các thành viên. Ngoài ra, HTX cũng chú trọng gia công hàng lưu niệm cho khách du lịch để tăng thêm thu nhập, tạo công ăn việc làm từ nghề truyền thống… Đích thân bà Thuận Thị Trào cũng thường xuyên lặn lội đến các điểm du lịch lớn ở trong và ngoài tỉnh để bỏ mối các sản phẩm của HTX.
“Thu nhập từ nghề thổ cẩm không cao, chỉ 50.000 – 100.000 đồng/ngày nên các bạn trẻ rất ít người tham gia. HTX hiện tại đa số là người lớn tuổi. Chúng tôi tâm niệm, gắn bó với HTX không chỉ vì có thêm thu nhập, mà còn mong muốn góp phần gìn giữ nghề truyền thống của đồng bào Chăm, để các thế hệ người Chăm sau này, luôn biết yêu quý và trân trọng nghề truyền thống của quê hương mình”. |