Đây mới là loại trái cây đặc biệt tốt cho người bệnh tiểu đường Người mắc bệnh tiểu đường có uống được cà phê? |
Theo giới chuyên gia, bệnh tiểu đường xảy ra khi glucose trong máu tăng cao, triệu chứng của bệnh thường tiến triển âm thầm và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như tổn thương thần kinh và các cơ quan khác như mắt, tim, thận, thần kinh, chứng mạch máu (nhồi máu não, nhồi máu cơ tim).
Việc phòng tránh bệnh tiểu đường tuýp 1 được đánh giá khó song người bệnh có thể hạn chế nguy cơ tiến triển thành tiểu đường tuýp 2 bằng việc thay đổi kế hoạch ăn uống và tập luyện khoa học.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh tiêu đường. Ảnh minh họa |
Tư vấn của bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Tiến Vũ – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường tập thể dục, ăn uống lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ là cách phòng bệnh tiểu đường đơn giản nhất. Đặc biệt, nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh như thừa cân, rối loạn mỡ máu, gia đình có người bị bệnh… càng chủ động phòng ngừa.
Một số cách phòng ngừa bệnh tiểu đường đơn giản:
Với chế độ luyện tập thể dục, thể thao: Mỗi ngày nên dành ra ít nhất từ 30 - 45 phút đi bộ hoặc tập luyện một bộ môn thể thao nào đó. Không nên nghỉ quá 2 buổi/tuần. Sau khi ăn nên nghỉ ngơi từ 30 - 45 phút, sau đó đi bộ thư giãn tầm 15 - 20 phút để tránh việc đường huyết gia tăng quá cao sau khi ăn xong. Đối với những người làm công việc văn phòng, nếu làm ở tầng thấp nên hạn chế dùng thang máy mà hãy luyện thể lực bằng cách đi cầu thang bộ, tránh ngồi yên một chỗ quá lâu. Nên đứng lên, đi lại nhẹ nhàng xung quanh khu vực làm việc khoảng 1 tiếng/lần.
Đối với thói quen ăn uống: Cắt giảm lượng tinh bột, đường, chất ngọt trong thực phẩm và thay bằng chất đạm có trong cá, trứng, thịt, chất xơ và vitamin thừu trái cây, rau củ; tăng cường ăn nhiều cá hơn, tối thiểu nên ăn 2 bữa/tuần; hạn chế muối, tránh ăn mặn, bánh kẹo và nước ngọt có gas; không nên ăn nhiều nội tạng và mỡ động vật ưu tiên các loại ngũ cốc nguyên cám. Ăn ít cơm trắng và khi ăn nên nhai kỹ, chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày.
Nói không với thuốc lá; uống rượu với liều lượng vừa phải. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường 50% so với người không hút thuốc, đặc biệt ở nữ giới. Còn uống rượu lượng vừa phải có thể giảm nhưng uống quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường. Lượng rượu vừa phải ở nữ giới và nam giới trên 65 tuổi khoảng 1 đơn vị/ngày (tương đương 330ml bia hơi, 100ml rượu vang, 30ml rượu mạnh); nam giới dưới 65 tuổi tối đa 2 đơn vị mỗi ngày.
Việc sử dụng rượu quá nhiều có thể gây viêm tụy mãn tính, giảm khả năng tiết insulin vốn có nhiệm vụ kiểm soát lượng đường trong máu, dẫn đến đái tháo đường.
Kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên theo tư vấn của bác sĩ về thời gian và mức đường huyết mục tiêu. Giữ lượng đường trong máu càng gần mức mục tiêu càng tốt giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn các biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường.
Kiểm soát cân nặng: Kiểm soát trọng lượng cơ thể bằng cách giảm cân, qua đó giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến cáo những người bị tiền đái tháo đường (đường huyết tăng cao nhưng chưa đạt ngưỡng chẩn đoán tiểu đường) nên giảm ít nhất 7 - 10% trọng lượng cơ thể để ngăn ngừa bệnh tiến triển.