Cao su Sao vàng: Lợi nhuận tăng đột biến, tài sản giảm gần 190 tỷ đồng Xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc giảm, thị trường chứa đựng nhiều yếu tố bất lợi |
Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường cao su vẫn bị chi phối bởi kinh tế toàn cầu chưa hoàn toàn lạc quan, căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang, trong khi nhu cầu của Trung Quốc chậm lại. Tuy nhiên, giá cao su vẫn tăng đáng kể do nguồn cung khan hiếm bởi các yếu tố mùa vụ.
Xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc giảm trong 6 tháng đầu năm 2024. Ảnh minh họa |
Riêng trong quý II/2024, giá cao su trên các sàn giao dịch chủ chốt tại châu Á tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 năm vào đầu tháng 6/2024, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung do thay đổi thời tiết và nhu cầu cho sản xuất lốp xe được cải thiện.
Tuy nhiên, giá có xu hướng giảm kể từ cuối quý II/2024 do nguồn cung tăng lên khi các nước bắt đầu bước vào vụ khai thác mới. Trong đó, tháng 7/2024, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt tại châu Á giảm mạnh so với tháng trước, trong bối cảnh nhu cầu cao su của Trung Quốc chậm lại, các nhà đầu tư đang đợi thêm các tín hiệu thúc đẩy thị trường.
Tại thị trường trong nước, quý II/2024, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước tăng theo xu hướng tăng của thị trường thế giới. Động lực chính giúp giá cao su trong nước tăng chủ yếu từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên, đặc biệt từ hai quốc gia Thái Lan và Indonesia.
Tuy nhiên, giá mủ cao su nguyên liệu có xu hướng giảm trở lại kể từ cuối quý II/2024 đến nay do lo ngại nhu cầu của thị trường Trung Quốc chậm lại. Trong tháng 7/2024, giá mủ chén và mủ nước tại các tỉnh, thành phố trên cả nước giảm so với tháng trước.
Tại một số công ty cao su, hiện giá thu mua mủ cao su nguyên liệu duy trì quanh mức 345 - 390 đồng/TSC. Trong đó, Công ty Cao su Bà Rịa báo giá thu mua ở mức 375 - 385 đồng/TSC, giảm 5 đồng/TSC so với cuối tháng 6/2024. Công ty Cao su Mang Yang báo giá thu mua ở mức 362 - 372 đồng/TSC, giảm 18 - 20 đồng/TSC so với cuối tháng 6/2024. Công ty Cao su Phú Riềng thu mua mủ cao su nguyên liệu ở mức 345 - 390 đồng/TSC, giảm 5 - 15 đồng/TSC so với cuối tháng trước.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong quý II/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 311,55 nghìn tấn, trị giá 499,17 triệu USD, giảm 24,8% về lượng và giảm 17,8% về trị giá so với quý I/2024; So với quý II/2023 giảm 19,1% về lượng và giảm 3,8% về trị giá. Trong quý II/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam giảm do nhu cầu cao su chững lại tại Trung Quốc do tình hình kinh tế chưa khả quan.
Nhập khẩu cao su của Trung Quốc đã giảm liên tục kể từ tháng 02/2024 đến nay. Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 3,41 triệu tấn cao su, với trị giá 5,56 tỷ USD, giảm 16,8% về lượng và giảm 8,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 203.
Trong đó, nhập khẩu cao su của Trung Quốc từ Việt Nam đạt 563,96 nghìn tấn, trị giá 802,47 triệu USD, giảm 15,4% về lượng và giảm 10,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần cao su Việt Nam chiếm 16,51% về lượng và chiếm 14,43% về trị giá trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2024.
Theo các chuyên gia kinh tế, Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do sự suy giảm của thị trường bất động sản, trong khi tâm lý tiêu dùng và kinh doanh cũng yếu.
Điểm sáng của xuất khẩu cao su là giá tăng cao, mở ra triển vọng tăng trưởng xuất khẩu cho ngành cao su Việt Nam. Thời gian tới, nhu cầu của Trung Quốc vẫn là yếu tố chủ chốt tác động đến hoạt động xuất khẩu cao su của Việt Nam. Giá cao su được dự báo sẽ ở mức cao bởi nhu cầu phục vụ ngành sản xuất săm lốp phục hồi; trong khi sản lượng tại Thái Lan và Indonesia dự báo giảm do chuyển giao thời tiết giữa El Nino và La Nina.