Dòng tiền đầu tư trong nước vẫn tập trung vào nhóm năng lượng
Lo ngại về lạm phát trên toàn thế giới đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi giá nhiên liệu và thực phẩm đều tăng rất mạnh trong tháng 4. Chỉ số MXV-Index năng lượng tăng hơn 10% còn MXV-Index nông sản tăng 7%, đóng góp rất lớn vào mức tăng 4,22% của MXV-Index trong tháng vừa rồi. Đây là mức đóng cửa tháng cao nhất kể từ khi chỉ số này được MXV ban hành và đánh dấu tháng tăng thứ 6 liên tiếp.
Giá trị giao dịch trên sàn MXV-Index |
Giá trị giao dịch tại MXV trong tuần vừa rồi dù giảm khoảng 10% so với tuần trước đó, về mức 4.700 tỉ đồng mỗi phiên, nhưng con số này vẫn nhỉnh hơn mức trung bình của cả tháng 4. Điều này cho thấy sự quan tâm nhiều hơn của giới đầu tư trong nước vào nửa cuối tháng, khi một số kênh tài chính khác có sự lao dốc, điển hình như thị trường chứng khoán. Không những vậy, vai trò phòng hộ giá của các hợp đồng hàng hóa phái sinh cũng đang ngày càng phổ biến hơn đối với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt khi lạm phát là điều không thể tránh khỏi do tác động từ căng thẳng địa chính trong thời gian gần đây.
Khí tự nhiên dẫn đầu đà tăng của toàn nhóm năng lượng trong tuần vừa rồi, sau khi nhà cung cấp khí đốt của Nga Gazprom cho biết, họ bắt đầu ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria do 2 quốc gia này không đồng ý với yêu cầu thanh toán bằng đồng Rúp. Với mức tăng 8,7% trong tuần cuối tháng, tổng cộng giá khí tự nhiên đã tăng đến 27% trong tháng 4, lên mức 7,24 USD/MMBtu, cao nhất kể từ tháng 09/2008 đến nay.
Theo Bộ trưởng tài chính Nga, các lệnh cấm vận có thể khiến cho sản lượng dầu của nước này giảm khoảng 17% trong năm nay. Con số này tương ứng với sự sụt giảm nguồn cung ở mức 1,7 triệu thùng/ngày, hoặc 1,7% nguồn cung dầu trên thế giới.
Cũng liên quan đến nguồn cung, các thành viên OPEC+ dự định duy trì mức tăng sản lượng ở mức thấp, chỉ 432.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến hết tháng 09/2022. Thậm chí, OPEC+ có thể sẽ không đạt được ngay cả con số khiêm tốn này, khi mà trong tháng Ba, nhóm vẫn đang sản xuất thấp hơn 1,45 triệu thùng/ngày so với hạn mức đặt ra. Các vấn đề về bảo trì, bất ổn nội địa khiến việc sản xuất dầu của các thành viên đang trở nên khó khăn. Tất cả những yếu tố trên đã giúp cho giá dầu tăng mạnh trong suốt tháng qua. Đóng cửa tháng 4, giá dầu thô WTI trên sở NYMEX tăng mạnh 6,26% lên 104,69 USD/thùng; giá dầu thô Brent trên sở ICE EU tăng 4,29% lên 107,14 USD/thùng.
Diễn biến giá dầu WTI |
Giá dầu thô tăng mạnh hỗ trợ thị trường đường
Sức mạnh của giá dầu thô đã hỗ trợ cho giá đường sau khi dầu thô WTI đang đạt mức cao nhất trong gần hai tuần. Giá dầu thô cao hơn có lợi cho giá ethanol và có thể thúc đẩy các nhà máy đường của Brazil chuyển hướng ép mía sang sản xuất ethanol thay vì đường, do đó hạn chế nguồn cung đường.
Tuy nhiên, giá đường cuối tuần trước chịu áp lực trở lại sau khi các Chuyên gia Hàng hóa của Công ty Green Pool (Australia) chuyển dự báo thị trường đường toàn cầu năm 2022/23 thặng dư 1,41 triệu tấn so với dự báo tháng 1 là thâm hụt 742.000 tấn. Dù vậy, áp lực phần nào được hạn chế sau khi dữ liệu từ Hiệp hội Mía đường Brazil (UNICA) cho thấy, sản lượng đường 2022/23 khu vực trung tâm phía nam của Brazil trong nửa đầu tháng 4 giảm 80% so với cùng kỳ xuống 127.000 tấn.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tính đến giữa tháng 04/2022, đã có thêm một số nhà máy của ngành đường Việt Nam kết thúc vụ ép 2021/22. Lũy kế tổng lượng mía ép đạt 6.205.000 tấn mía, sản xuất được 645.000 tấn đường các loại. Nửa đầu tháng, thị trường đường ghi nhận nhu cầu tăng nhẹ trong giai đoạn phục hồi sau dịch Covid 19 nhưng giá đường chưa cải thiện là bao khi nguồn cung vẫn dồi dào.
Dưới ảnh hưởng bởi giá đường tăng trên thị trường quốc tế và cước vận chuyển tăng do tăng giá nhiên liệu, giá đường nhập khẩu chính ngạch từ các nước ASEAN và đường nhập tiểu ngạch từ các tỉnh biên giới với Campuchia và Lào dù đã phải điều chỉnh tăng nhưng vẫn thấp hơn giá thành sản xuất đường từ mía nên vẫn chiếm ưu thế thị trường.
Theo MXV, nếu giá dầu thô vẫn neo ở mức cao và tình hình nguồn cung đường không có nhiều thay đổi, kết hợp với việc vận chuyển còn gặp nhiều khó khăn, giá đường nội địa trong thời gian tới có thể tiếp tục nhích nhẹ. Tuy nhiên, giá sẽ khó cao hơn giá thành sản xuất đường từ mía nếu không kiểm soát được hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu.
Khủng hoảng nguồn cung khiến giá dầu thực vật tăng phi mã
Dù dẫn đầu nhóm năng lượng nhưng mức tăng của khí tự nhiên vẫn xếp sau mức tăng gần 12% của giá dầu cọ thô trên sở Bursa (Malaysia) trong tuần vừa rồi. Bộ Nông nghiệp Indonesia cho biết, nước này sẽ cấm xuất khẩu toàn bộ dầu cọ thô và dầu cọ tinh chế bắt đầu từ 28/04, nhằm kiềm chế đà tăng của giá lương thực trong nước.
Trước đó, việc thiếu hụt dầu hướng dương từ Nga và Ukraine đã gây ra hiệu ứng domino, khiến cho giá các mặt hàng dầu thực vật khác đều tăng lên mức cao kỷ lục. Chính vì thế, việc Indonesia – quốc gia xuất khẩu đến 1/3 lượng dầu thực vật toàn cầu – công bố các chính sách mới, giá dầu cọ Bursa đã thiếp lập mức đỉnh mới ở 7.104 Malaysia Ringgit/tấn (tương đương 1.632 USD/tấn). Nếu tính trong cả tháng 04, mặt hàng này cũng đã tăng vọt hơn 24%.
Ảnh hưởng tích cực từ diễn biến của giá nhiên liệu nói chung và giá dầu thực vật nói riêng, dầu đậu tương cũng đã tăng đến 22,6% trong tháng 4, lên mức kỷ lục 84,18 cents/pound (tương đương 1.855,9 USD/tấn).
Các mặt hàng tăng mạnh trong tuần |
Trong tuần này, thị trường sẽ chú ý đến một loạt các báo cáo vĩ mô quan trọng như chỉ số PMI, Bảng lương Phi Nông nghiệp (Nonfarm), Tỉ lệ Thất nghiệp và đặc biệt là Biên bản họp của FED phát hành vào rạng sáng ngày thứ Năm tới (05/05). Các số liệu này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đồng Dollar, hiện đang ở mức cao nhất trong vòng 5 năm, và qua đó tác động gián tiếp đến giá của hầu hết các mặt hàng được niêm yết bằng đồng tiền này.