Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, tỉnh đang triển khai thực hiện chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu năm 2021- 2022 để phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2022, đồng thời ứng phó với các diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Đối với dịp Tết Nguyên đán, trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm lượng hàng hóa dự trữ của các đơn vị sản xuất trong tỉnh tăng từ 10-15%. Tuy nhiên, năm nay tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên dự báo sức mua trong dịp Tết sắp tới sẽ có nhiều biến động, có thể tăng khoảng 5% so với dịp Tết năm trước và tăng 20-25% so với ngày thường trong những ngày cận Tết.
Nhiều tỉnh thành phía Nam chuẩn bị nguồn hàng hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm cuối năm |
Về tỷ lệ dự trữ hàng hóa khi triển khai chương trình chuẩn bị hàng hóa Tết, mặt hàng gạo thuộc chương trình bình ổn quốc gia, tỉnh chỉ can thiệp khi đột biến, phạm vi nhỏ nên tỷ lệ dự trữ ở mức 2,5% so với nhu cầu. Mặt hàng thịt heo cần nguồn dự trữ khoảng 10% tổng nhu cầu của tỉnh nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường, bình ổn giá khi có biến động. Mặt hàng thịt gà có tỷ lệ dự trữ là 5% so với nhu cầu. Các mặt hàng thiết yếu khác như mì gói, thực phẩm chế biến đóng hộp, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, gia vị, nước chấm có tỷ lệ dự trữ ở mức 2,5 - 3% để có nguồn cung cấp nhanh cho thị trường khi xảy ra tình trạng khan hiếm cục bộ…
Theo ông Lê Văn Lộc - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, ngành Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai chương trình bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sẽ chủ động kế hoạch làm việc cùng với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị, các đơn vị tham gia bình ổn giá trong tỉnh và đề nghị các đơn vị này xây dựng kế hoạch dự trữ hàng Tết và phương án kinh doanh trong dịp Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng gây tăng giá cục bộ hoặc hàng tồn kho sau Tết, nhất là đối với mặt hàng thịt heo, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, bánh mứt… phục vụ Tết và đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Sở Công Thương tình Bình Dương, nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, hiện nay ngành Công Thương đang tập trung dự trữ hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Năm nay, Tết Nguyên đán cách Tết Dương lịch khoảng 1 tháng do đó các đơn vị sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ Tết dự kiến có đủ thời gian để chuẩn bị nguồn hàng, công tác dự trữ hàng hóa, chủ động để đảm bảo về số lượng và chất lượng sản phẩm. Đại diện nhiều hợp tác xã thương mại, dịch vụ cho biết sẽ căn cứ vào những diễn biến của dịch bệnh Covid-19 sát sao để chủ động xây dựng các phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu, triển khai các kênh bán hàng bình ổn giá phù hợp. Đặc biệt, tỉnh cũng sẽ bám sát tình hình giá cả thị trường, chuỗi cung ứng hàng hóa để có phương án thích ứng kịp thời.
Tại TP. Hồ Chí Minh, theo ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Sở Công Thương cùng các đơn vị cung ứng phải xuống làm việc trực tiếp với Sở Công Thương các tỉnh để rà soát lại nguồn hàng nhằm đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ Tết. Tình hình chung của thị trường tại TP. Hồ Chí Minh nguồn cung ứng ổn định. Nguồn hàng tại ba điểm tập kết trung chuyển hàng hóa tại ba chợ đầu mối khoảng 1.800 tấn/đêm, đáp ứng được nhu cầu của thành phố.
Đặc biệt, đến nay các chợ truyền thống cũng đang khôi phục trở lại trong điều kiện "bình thường mới". Theo đánh giá của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, sự phục hồi dần của kênh phân phối truyền thống đã góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Hiện nay, lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm tập kết về điểm trung chuyển ở một số chợ đầu mối đảm bảo đáp ứng yêu cầu của người dân, đặc biệt vào giai đoạn Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.
Từ phía DN cũng cho hay đang chủ động các phương án dự trữ hàng hóa cho dịp Tết. Như những năm trước đây, từ khoảng tháng 12, giá cả hàng hóa nhập về sẽ có xu hướng tăng. Năm nay, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường có nhiều biến động hơn, dự báo giá nhiều mặt hàng sẽ tăng 5-10%. Vì thế các DN sản xuất hàng hóa, phân phối cũng mong muốn sớm tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để chủ động tiếp cận, ký hợp đồng mua các nguồn hàng bình ổn giá từ các nhà phân phối.
Đại diện các siêu thị, trung tâm thương mại sẽ tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong tình hình mới, nhất là vào đợt cao điểm cuối năm và cận Tết sắp tới.