Thực trạng tàu 67
Quảng Bình là địa phương tích cực trong việc triển khai Nghị định 67 của Chính phủ với 88 tàu được đóng mới. Theo số liệu từ các ngân hàng, hiện nay, 29 tàu cá hoạt động cơ bản có hiệu quả, trả nợ bình thường, chiếm 33%; 36 tàu cá hoạt động hòa vốn, chiếm 41%; 23 tàu hoạt động lỗ, trả nợ chưa đúng kỳ hạn cam kết, chiếm 26%.
Tại Quảng Trị, UBND tỉnh này phê duyệt 32 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới và 118 tàu đủ điều kiện nâng cấp theo Nghị định 67. Đến nay, toàn tỉnh đã có 25 tàu đóng mới và 93 tàu nâng cấp đã hoàn thành, đưa vào hoạt động, chủ yếu khai thác thủy sản. Các ngân hàng tại đây đã thực hiện giải ngân tín dụng 431.049 tỷ đồng so với 439.064 tỷ đồng giá trị hợp đồng vay vốn. Tuy nhiên, một số tàu nợ quá hạn và nợ xấu lên tới 147,4 tỷ đồng.
Ngư dân Trương Ngọc Tú bên chiếc tàu vỏ thép nằm bơ |
Đâu là nguyên nhân?
Có rất nhiều nguyên nhân khiến các con tàu 67 nợ lãi ngân hàng. Theo một số ngư dân, sau khi đưa vào sử dụng, nhiều bộ phận trên tàu bị hư hỏng phải thay thế, tàu dễ bị tróc sơn, gỉ sét, việc vươn khơi gặp khó khăn do thiếu bạn thuyền, bị mất ngư lưới cụ, chưa có kỹ năng sử dụng tàu vỏ thép vì xưa nay vẫn dùng tàu vỏ gỗ truyền thống. Anh Trương Ngọc Tú - chủ tàu vỏ thép mang số hiệu QB 91568 TS, trị giá 16 tỷ đồng - cho biết: Khi ra khơi, ngư dân bị mất nhiều ngư lưới cụ do tàu hàng đi qua cắt mất lưới, báo với ngân hàng và bảo hiểm nhưng không được đền bù. Do vậy, ngư dân không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng tàu…
Nhiều ngư dân cho rằng, các nhà máy đóng tàu theo thiết kế kỹ thuật đã phê duyệt như: Máy lái thủy lực, máy tời thu lưới, lưới rê bùng nhùng, lưới vây và lưới chụp mực… sau một thời gian đưa vào hoạt động đã gặp phải những trục trặc, sự cố, ảnh hưởng đến hiệu quả đánh bắt. Cụ thể, máy lái chưa phù hợp với tàu khai thác thủy sản, máy tời thu lưới hoạt động không đủ công suất nên các chủ tàu phải điều chỉnh, sửa chữa lại nhiều lần, chi phí tốn kém.
Theo ông Hoàng Viết Thông - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình - để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho ngư dân, trong đó có kiến nghị giãn nợ, UBND tỉnh đã chỉ đạo, giao cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Bình có đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính yêu cầu các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn nợ.
Nghị định của Chính phủ về đóng tàu 67 là vô cùng cấp thiết và đúng đắn với hoàn cảnh, môi trường đánh bắt. Tuy nhiên, cần điều chỉnh những chế tài phù hợp; thường xuyên tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức, trình độ và kỹ năng sử dụng, vận hành tàu cá xa bờ, nhất là tàu vỏ thép, để đạt hiệu quả khai thác tốt nhất cho bà con. |