Trăm kiểu mưu sinh chốn linh thiêng |
Đền Truông Bát, thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) rất linh thiêng, được rất nhiều du khách thập phương đến thắp hương, cầu an. Nhưng ngôi đền này đã được xã hội hóa, do một cá nhân đầu tư, hàng năm đóng phí cho địa phương.
Đền "xã hội hóa” có nhiều hòm công đức
Vào trong cổng là có một đội ngũ dịch vụ viết tấu sớ luôn mời chào du khách. Bạn tôi tên là Tuấn có đến mua ba tờ sớ thì được nhân viên nói giá 100.000 đồng. Anh tặc lưỡi nói: “Ba tờ sớ này in ngoài chưa đến 10.00 đồng mà ở đây lấy quá cao…”.
Đền Truông Bát được chủ đầu tư đặt rất nhiều hòm công đức. Một đĩa đựng tiền lẻ ở khu vực người xin xăm đầu năm. |
Trong các điện thắp hương của đền, chúng tôi thấy đặt từ ba đến bốn hòm công đức. Ở điện thờ xóc xăm cũng có một cái hòm công đức, trên hòm là một cái đĩa được du khách đặt rất nhiều tiền lẻ. Sau khi lắc được số xăm, đến bàn xin vé số xăm cũng có hòm công đức…
Ở đền này có đặt 12 cái hòm công đức ghi tên 12 con giáp rất phản cảm. Sau khi khấn bái tứ phương, du khách được nhân viên nhà đền hướng dẫn ra tìm hòm công được nào ghi tuổi của mình để bỏ tiền vào cầu may. Có người nhẩm tính, bỏ tiền vào hòm công đức có tuổi vợ, tuổi hai đứa con và tuổi của hai ông bà nữa cũng mất cả trăm nghìn...
Ngoài ra, chủ đền Truông Bát đặt 12 hòm công đức ghi tên 12 con giáp cho du khách bỏ tiền lẻ vào gây phản cảm |
Đem câu chuyện này hỏi ông Ngô Thanh Cẩn – người đầu tư, quản lý, khai thác đền Truông Bát thì ông cho biết, du khách đến đây bỏ tiền vào hòm công đức là tùy tâm. Được hỏi, tại sao đặt nhiều hòm công đức thế, ông Cẩn trả lời: “Hội chữ thập đỏ huyện còn đặt hòm công đức ở đây nữa huống chi…”.
Ông Cẩn khoe ngôi đền này do ông đầu tư, tôn tạo tốn rất nhiều tiền mới có được như ngày hôm nay. Hàng năm ông phải đóng phí cho địa phương đến 300 triệu đồng. “Mấy năm dịch bệnh làm ăn không được nên năm nay tôi bỏ tiền đầu tư, chỉnh chang lại khuôn viên đền. Ở đây có rất nhiều đền chùa mới xây dựng, mình không đầu tư sẽ khó mà thu hút được du khách…”, ông Cẩn nói.
“Phản cảm” vẫn tái diễn ở đền Chợ Củi
Không chỉ tại đền Truông Bát, đền Chợ Củi hay còn gọi đền ông Hoàng Mười ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cũng luôn nhộn nhịp du khách tứ phương đến cầu an. Chúng tôi vừa đến đầu con ngõ dẫn vào đền đã thấy nhiều người mời chào gửi xe, viết tấu sớ, mua vàng mã, ngựa giấy, voi thuyền…
Tình trạng ngựa giấy, vàng mã được người dân đưa đến Chợ Củi để cầu an đầu năm |
Đi sâu vào trong thì cảnh buôn bán tấp nập, hai bên đường luôn xuất hiện người ăn xin, bói toán, dịch vụ đổi tiền lẻ. Việc người dân đốt vàng mã tại ngôi đền linh thiêng này vẫn diễn ra phổ biến mặc dù có biển cảnh báo, loa phóng thanh tuyên truyền.
Ngoài thắp hương làm lễ, người dân còn mua ngựa giấy được trang trí cầu kỳ, bắt mắt có giá từ 300.000-500.000 đồng/con để đưa vào lò hóa vàng.
Điểm đáng chú ý, tương tự đền Truông Bát, tình trạng đặt hòm công đức ở đền Chợ Củi rất nhiều. Điểm thắp hương, cầu an nào của đền cũng đều nhìn thấy những chiếc hòm công đức vuông vắn được làm bằng kính hay gỗ, sắt đặt ở bên. Đi loanh quanh đền, chúng tôi đếm có hàng chục cái hòm công đức. Những chiếc hòm công đức luôn trong tình trạng quá tải tiền lẻ.
Một con ngựa giấy có giá 500.000 đồng đưa vào lò đốt tại đền Chợ Củi |
Trước đây, vào năm 2011 dư luận xôn xao về chuyện đền Chợ Củi đưa ra thầu khoán hàng năm cho anh em nhà ông Nguyễn Sỹ Quý sống cạnh đền. Sau đó, huyện Nghi Xuân có thành lập ban nhưng mọi việc chính từ thu chi, quản lý ở đền đều do gia đình này quán xuyến.
Ông Trịnh Công Minh - Phó trưởng Ban quản lý Khu di tích đền Chợ Củi, cho hay, ông là cán bộ xã được cử kiêm nhiệm phó ban, hiện nay đang khuyết trưởng ban. Tiền thu công đức hàng năm ở đền, ông Minh nói không hay biết. Năm vừa rồi gia đình ông Quý có chuyển vào tài khoản của ban 2 tỉ đồng...
Ngoài ra ông Minh cũng thừa nhận, đầu năm nay ở đền Chợ Củi tái diễn thực trạng ăn xin, nhét tiền lẻ, đốt vàng mã. Việc này dư luận đã lên tiếng, lãnh đạo huyện Nghi Xuân đã về họp với ban thì đã được chấn chỉnh.
Hòm công đức được đặt nhiều ở đền Chợ Củi luôn trong tình trạng “quá tải” |
Trái ngược với hình ảnh "xô bồ" ở một số đền, tại đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu, ở xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã được chấn chỉnh rất nhiều. Du khách hành hương đến được phát miễn phí 3 cây hương để thắp cầu an. Vàng mã, ngựa giấy, hình nhân… hạn chế du khách đưa đến. Cảnh hầu đồng, nhảy múa vung tiền được nghiêm cấm từ lâu…
Mỗi ngày có đến một vạn lượt người đến cầu an ở ngôi đền này. Để đám ứng nhu cầu ban quản lý đền đã tuyển chọn 60 thầy cúng trên địa bàn và hơn 40 thầy cúng ở ngoài để phục vụ du khách. “Tâm lý đến đền ai cũng phải mua tấu sớ làm lễ cầu an, giải hạn nên vẫn còn cảnh chen lấn nhau ở các điện thờ. Việc này chúng tôi đang tìm phương án khắc phục dần…”, ông Phan Công Đính, trưởng ban quản lý đền này cho hay.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Xuân Lương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch Hà Tĩnh, cho rằng để tình trạng chen lấn, đốt vàng mã tràn lan, ăn xin, bói toán… ở các đền, chùa trên địa bàn tỉnh này là do địa phương quản lý. Việc này, hàng năm sở đã có hướng dẫn, yêu cầu các địa phương cần chấn chỉnh các đền, chùa trước khi vào lễ hội.