Hành khất xin bố thí tại cổng đền, chùa
CôngThương - Dưới chân đền Cờn, bên bờ Mai Giang, sát cửa biển Lạch Cờn thuộc làng Phương Cần, Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), có những quán hàng nước cho khách đi thăm viếng nghỉ ngơi. Cứ vào dịp đầu năm, bà Nguyễn Thị Côi lại gánh thúng bánh đa xuống cạnh đền Cờn ngồi nướng để bán cho du khách như một món quà quê đầm ấm. Ngừng nhai miếng trầu, bà Côi kể chuyện, đền Cờn năm nào ra Tết cũng đông vui, nhộn nhịp. Ở đây, không thể thiếu đặc sản của biển, đó là món cá trích, vừa thơm, vừa béo lại vừa rẻ tiền, dân dã. Hàng chủ yếu là các đặc sản của biển, vừa được đánh bắt lên, còn tươi ngon, tuyệt không có chất bảo quản. Một gian hàng chỉ vài ba mét vuông, cộng thêm 4, 5 cái lò nướng đã có thể phục vụ được khách hàng. Ngồi túm tụm xung quanh lò, vừa sưởi ấm, vừa thưởng thức món cá trích đặc sản của vùng biển xứ Quỳnh cũng là một đặc trưng riêng của du khách khi đến với đền Cờn. Tại chùa Cần Linh- TP.Vinh, khách đi chùa lâu năm ai cũng biết quán bún chay, nem chay đươc bán ở phía đối diện cổng chùa. Đây cũng có lẽ là nơi duy nhất ở Nghệ An có cửa hàng phục vụ món chay gần chùa.
Du khách đến với đền Ông Hoàng Mười dịp đầu năm mới sẽ thấy ngay từ đường vào cổng, cùng một lúc có đến 9, 10 người ăn xin chầu chực. Cảnh người nằm, kẻ ngồi, ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu trông rất phản cảm. |
Tuy nhiên, hầu hết tại đền, chùa nào cũng có những người đứng vạ vật xin bố thí. Để du khách mủi lòng, nhiều “cái bang” phải tỏ ra nhếch nhác, bẩn thỉu, đứng ngồi đủ kiểu để xin ăn. Chị Nguyễn Thị Lan- một du khách- bày tỏ: “Năm nào, mình cũng đi lễ ở các đền, chùa, nhưng vẫn rất khó chịu khi thấy cảnh ăn xin và người buôn bán chèo kéo khách”.
Trong số đó, không ít người lợi dụng của chùa, lợi dụng sự rộng lòng của khách thập phương để lê lết, đeo bám, tạo nên hình ảnh xấu. Xung quanh chân đền có đến vài chục ki-ốt buôn bán đủ mặt hàng, từ bánh kẹo, hoa quả, vàng, các đồ mã như voi, nhà cửa, ngựa, ôtô, xe máy, quần áo, giày dép cho đến những đồ lưu niệm khác... Đi kèm với đó là những bàn viết sớ, bán đổi tiền lẻ, thầy cúng. Ngoài ra còn có “trò” bói toán, xin xăm, bốc quẻ ở cửa đền. Chẳng biết, có chính xác hay không, nhưng mỗi một lần bốc thẻ, khách phải trả từ 30 – 50.000 đồng. Đáng nói là, hiện tượng này được thực hiện công khai, nhưng không thấy người nào ở ban quản lý đền, chùa nhắc nhở. Ở đền Ông Hoàng Mười, những tấm biển “nhận giải hạn” công khai dựng dọc khắp đường vào cổng chùa. Khoảng sau 12 giờ đêm, đền vẫn nườm nượp người đi giải hạn. Khách vãn cảnh chùa đầu xuân, mong tìm một khung cảnh yên tĩnh cũng cảm thấy khó chịu bởi hàng quán che kín đền, chùa, người kỳ kèo giá cả, người văng tục chửi bậy làm mất đi sự linh thiêng vốn có.
Chia sẻ về những khó khăn trong việc quản lý tình hình an ninh trật tự ở đền Ông Hoàng Mười, ông Nguyễn Xuân Thủy - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hưng Nguyên - cho biết: “Huyện đã nhiều lần quán triệt cho Ban quản lý đền và chính quyền xã Hưng Thịnh phải có kế hoạch quản lý việc buôn bán, kinh doanh ở đền. Nhưng hiện tại vì chưa có chế tài xử lý, xã lại chưa dứt khoát, còn “nể” nhiều vì người kinh doanh đa phần là người địa phương, người ăn xin lại từ nơi khác đến, thế nên tình trạng này tái diễn liên tục từ năm này qua năm khác…”. Phải chăng trong vấn đề này, ngành văn hóa và chính quyền các địa phương còn chưa nghiêm, cần có lực lượng thanh tra và chế tài xử phạt nghiêm khắc để chấn chỉnh những người vi phạm. Đến bao giờ, người dân và khách thập phương mới được hưởng một không khí đi lễ thanh tịnh trọn vẹn, đến bao giờ mới hết cảnh hàng quán chen lấn cảnh chùa…