Nhật Bản đang phải đối mặt với áp lực của Mỹ nhằm loại bỏ các hạn chế hiện tại chỉ cho phép thịt bò Mỹ từ đàn gia súc 30 tháng tuổi trở xuống, do lo ngại về bệnh não xốp dạng spongiform, còn được gọi là bệnh bò điên.
Theo đó, Ủy ban An toàn thực phẩm của Nhật Bản có kế hoạch triệu tập một cuộc họp vào ngày 15/11 để tìm kiếm sự chấp thuận đối với kế hoạch xóa bỏ các hạn chế nêu trên. Ủy ban này sau đó sẽ báo cáo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản. Từ hồi tháng 4, theo yêu cầu của Bộ này, Hội đồng nghiên cứu của Ủy ban đã bắt đầu thảo luận các tác động tiềm tàng đối với sức khỏe người dân trong trường hợp các hạn chế đối với thịt bò nhập khẩu bị loại bỏ.
Năm 2003, Nhật Bản đã cấm tất cả nhập khẩu thịt bò của Mỹ sau khi phát hiện BSE (bệnh bò điên) trong đàn gia súc của Mỹ. Nhưng năm 2005, nước này tiếp tục nhập khẩu thịt bò Mỹ từ gia súc không quá 20 tháng tuổi. Nhật Bản kể từ đó đã giảm bớt các hạn chế nhập khẩu theo các bước trên cơ sở Mỹ đã được quốc tế công nhận là có nguy cơ thấp nhất đối với căn bệnh này.
Vấn đề hạn chế nhập khẩu đã được đưa ra trong các cuộc đàm phán kinh tế song phương và các dịp hội đàm khác, với việc Mỹ mạnh mẽ yêu cầu Nhật Bản loại bỏ sớm các hạn chế của họ nhằm hy vọng giảm thâm hụt thương mại với Nhật Bản. Việc loại bỏ các hạn chế này có thể giúp Mỹ cắt giảm chi phí cần thiết để đáp ứng các quy định của Nhật Bản và cho phép nước này duy trì khả năng cạnh tranh của các sản phẩm thịt bò chống lại đối thủ Australia, ngay cả sau khi Hiệp định Tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực vào ngày 30/12/2018 mặc dù Mỹ không phải là thành viên. Cả Nhật Bản và Australia đều là thành viên của Hiệp định CPTPP, chiếm 13% nền kinh tế toàn cầu.
Hiện nay, khoảng 90% thịt bò của Mỹ là từ đàn gia súc 30 tháng tuổi trở xuống. Mức giới hạn này được Nhật Bản thực thi từ năm 2013, sau một thời gian duy trì giới hạn gia súc 20 tháng tuổi vào năm 2005.