Tìm đường đưa thủy sản Việt Nam sang thị trường châu Phi |
Nhu cầu nhập khẩu lớn
Tại Phiên tư vấn xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường châu Phi diễn ra chiều 26/5, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ- Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay: Quy mô dân số lớn khoảng 1,3 tỷ người, châu Phi có nhu cầu nhập khẩu cao nhiều loại mặt hàng phù hợp với hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Riêng về hàng thuỷ sản, các loại cá nước ngọt ngày càng được người dân châu Phi ưa dùng do thay đổi thói quen tiêu dùng thịt sang các loại thuỷ sản. Hơn nữa, năng lực đánh bắt nuôi trồng một số loại thủy sản của các nước trong khối không cao.
Cụ thể tại thị trường Algeria, ông Hoàng Đức Nhuận- Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Algeria, thông tin: Dù có đường bờ biển dài nhưng sản lượng đánh bắt hạn chế, hàng năm Algeria phải nhập khẩu khoảng 32.000 tấn thủy, hải sản chủ yếu là cá phi lê.
Bộ Công Thương tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường châu Phi |
Với thị trường Nigeria, ông Trần Hùng Cường – Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nigeria cũng cho biết: Quốc gia này có đường bờ biển dài 800km, hệ thống sông kênh đa dạng nhưng năng lực đánh bắt, khai thác thuỷ sản của Nigeria còn hạn chế và chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước. Nhu cầu tiêu dùng thuỷ sản của Nigeria khoảng 3,32 triệu tấn/năm, khai thác trong nước chỉ đáp ứng được 1/3, đạt khoảng 1,12 triệu tấn/năm, nhập khẩu 2,2 triệu tấn/năm và chủ yếu là cá đông lạnh.
Nguyên nhân khiến ngành thuỷ sản Nigeria chưa phát triển được Thương vụ Việt Nam tại thị trường này lý giải: Do chính phủ Nigeria chưa quan tâm nên ngành đánh bắt tại Nigeria chủ yếu ở quy mô nhỏ; ô nhiễm môi trường biển do các sự cố tràn dầu thường xuyên xảy ra; thiếu quy hoạch vùng nuôi trồng; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa đủ mạnh.
“Do vậy, trong thời gian ngắn tới, ngành thuỷ sản Nigeria chưa đáp ứng nhu cầu và buộc phải nhập khẩu. Đây là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam tận dụng”, ông Trần Hùng Cường phân tích.
Vượt qua thách thức về giá
Có một thực tế dễ nhận thấy, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường châu Phi có sự sụt giảm trong một vài năm trở lại đây.
Thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, Việt Nam xuất khẩu khoảng 10 triệu USD/năm giá trị mặt hàng thuỷ sản sang Algeria, năm 2019 giảm xuống còn 1,5 triệu USD. 4 tháng đầu năm 2022, dù kim ngạch xuất khẩu có khởi sắc và tăng 25% so với cùng kỳ năm trước đạt 780.000 USD nhưng vẫn thấp so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.
Trên thị trường Algeria, giá thuỷ sản đông lạnh của Việt Nam hiện đã tăng gấp đôi so với năm ngoái. “Doanh nghiệp nhập khẩu Algeria cho biết, trước đây người dân Algeria đánh giá cao chất lượng và giá thuỷ sản Việt Nam nhưng 2 năm trở lại đây giá thành tăng mạnh cũng ảnh hưởng tới tiêu dùng”, ông Hoàng Đức Nhuận nói.
Giá luôn là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu, thuỷ sản không phải là ngoại lệ, nhất là với thị trường có thu nhập bình quân đầu người chưa cao như châu Phi.
Doanh nghiệp đối mặt nhiều thách thức khi xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường châu Phi |
Là doanh nghiệp nhập khẩu cá ngừ phân phối vào thị trường Ai Cập, Ông Hassan Moustafa – Trưởng phòng Nhập khẩu, Tập đoàn Quốc tế thương mại (Commercial International Group for Import), phản ánh hiện trạng: Sản phẩm Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt trước mặt hàng cùng loại của Thái lan do hạn chế hơn về chất lượng sản phẩm. Thái Lan có những nhà máy chế chiến cá ngừ đạt các tiêu chuẩn cao.
Dù vậy, ông Hassan Moustafa vẫn nhìn thấy tiềm năng tăng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam bởi có nguồn nguyên liệu dồi dào, tuy nhiên doanh nghiệp đang gặp vấn đề về giá cả. “Cá thu- sản phẩm thế mạnh của Việt Nam hiện đang có nhu cầu cao tại thị trường Ai Cập”, đại diện Tập đoàn Quốc tế thương mại cho biết thêm.
Không chỉ vấn đề giá, thuế cũng đang là thách thức lớn với thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu vào châu Phi, nhất là với các quốc gia có thoả thuận thương mại với châu Phi. Đơn cử, tại Algeria thuế nhập khẩu thuỷ sản là trên 50%, Ai Cập thuế dao động từ 5-20% tuỳ loại sản phẩm. Điều này làm nóng thêm sức ép cạnh tranh của thuỷ sản Việt.
Dù vậy, do nhu cầu tiêu dùng có xu hướng tăng, sản xuất trong nước chưa đáp ứng nhu cầu, đại diện Thương vụ Việt Nam tại thị trường châu Phi vẫn cho rằng còn nhiều dư địa cho thuỷ sản Việt Nam tăng tốc xuất khẩu.
Tuy nhiên, do địa khoảng cách địa lý xa, doanh nghiệp thuỷ sản trong nước được khuyến cáo tối ưu hoá sản xuất nhằm hạn chế chi phí, tìm cách giảm chi phí vận chuyển từ đó giảm giá thành sản phẩm.
Cùng đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ càng đối tác trước khi ký kết hợp đồng. Thương vụ Việt Nam tại châu Phi sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong vấn đề này. Tham dự nhiều triển lãm, hội chợ nhằm xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Nên thanh toán bằng hình thức LC không huỷ ngang và yêu cầu đối tác đặt cọc từ 25-30% giá trị đơn hàng. Trong hợp đồng cần thiết làm rõ và cụ thể các vấn đề liên quan đến tranh chấp để có cơ sở pháp lý khi có vấn đề phát sinh.
Thuỷ sản chế biến như cá ngừ đóng hộp, sản phẩm được tẩm ướp sẵn giá vị đang là mặt hàng được ưa chuộng tại châu Phi, doanh nghiệp trong nước có thể nghiên cứu sản xuất và xuất khẩu. |