Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh”: Vẫn còn lắm băn khoăn
Bức tranh pháp luật kinh doanh của Việt Nam trong mỗi năm và phân tích chuyên sâu một số vấn đề pháp lý tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta là chủ đề của báo cáo hàng năm của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bắt đầu từ năm 2018,
Ở dòng chảy thứ nhất với chủ đề chính sách liên quan đến COVID-19, báo cáo đã phân tích về những chỉnh sách giảm thuế, giảm phí, lệ phí cũng như các chính sách hỗ trợ tài chính liên quan đến một số ngành nghề chịu thiệt hại nặng nề như hàng không, du lịch.
Báo cáo nhận định, phần lớn các chính sách hỗ trợ đã nhìn “trúng”, “đúng” những đối tượng cần hỗ trợ từ đó góp phần đáng kể hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn bởi đại dịch.
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng chỉ ra những vấn đề còn băn khoăn về tính hiệu quả, thực chất của chính sách hỗ trợ. Chẳng hạn, một số mức phí, lệ phí được giảm khá thấp hay việc điều chỉnh khung giá dịch vụ hàng không có nguy cơ không phát huy hiệu quả trên thực tế.
Hoặc như câu chuyện được chính Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công dẫn tại buổi công bố báo cáo, theo đó gói hỗ trợ đào tạo lại cho người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 có tổng tiền rất lớn lên đến 4.000 tỷ đồng nhưng sau mấy tháng chỉ nhận được có … 3 hồ sơ!
Một trong những vấn đề nổi bật, doanh nghiệp quan tâm trong năm 2021 là những điểm nghẽn” của hoạt động kinh doanh do các chính sách phòng dịch. Việc đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu, nguồn lao động hay là những thủ tục hành chính, “giấy phép con” đã được chỉ ra và phân tích trong Báo cáo.
Báo cáo cũng đánh giá cao Nghị quyết 128/NQ-CP khi khai thông các điểm nghẽn, tạo đà phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Dịch bệnh COVID-19 là đại dịch trước nay chưa có tiền lệ ở nước ta. Vì vậy, trong bối cảnh này, rất nhiều vấn đề pháp lý cần phải nhìn nhận lại.
Báo cáo đã chỉ ra những quy định trong pháp luật không phù hợp áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh, gây khó khăn, bất cập rất lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ví dụ như thiếu vắng các quy định về bán thuốc online, khám bệnh từ xa, chế độ cho người làm việc ở nhà ... Đây đều là các hoạt động cần thiết trong tình hình các biện pháp phòng dịch hạn chế người dân ra ngoài đường.
Hay các quy định pháp luật không phù hợp áp dụng trong thời kỳ này, ví dụ, thời gian làm thêm giờ, yêu cầu giấy tờ khi thực hiện gia hạn giấy chứng nhận lưu hành đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc ...
“Pháp luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm không dự liệu được cho tình huống hiện tại do vậy khó áp dụng”- Báo cáo viết.
Những vấn đề trên đặt ra yêu cầu các nhà xây dựng chính sách phải xem xét lại một cách toàn diện hệ thống pháp luật về kinh doanh, để xác định cái nào chỉ phù hợp trong thời kỳ dịch bệnh – cần có cơ chế để điều chỉnh quy định trong khoảng thời gian này; cái nào cần phải điều chỉnh lại ngay cả khi mọi thứ quay trở lại bình thường - cần phải sửa đổi bổ sung hoặc thay thế quy định.
“Có tình trạng “phép vua thua lệ làng”- báo cáo của VCCI nhìn nhận- “khi kinh tế cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới thì vẫn có địa phương đặt ra các rào cản với việc đi lại”.
Mặc dù, không nổi bật và gây chú ý như các chính sách liên quan đến COVID-19, nhưng dòng chảy thứ hai: hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là “dòng chảy” bền bỉ mà Nhà nước đang thực hiện để cải cách thể chế.
Năm nay, hoạt động cắt giảm chi phí tuân thủ theo chỉ đạo của Nghị quyết 08/NQ-CP năm 2010 được thúc đẩy mạnh mẽ. Hầu hết các bộ đã đề xuất phương án cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ trong các quy định hiện hành.
Báo cáo đã chỉ ra những điểm tích cực trong hoạt động này, đồng thời đặt ra những quan ngại về tính thực chất của hoạt động. Bởi vì, nhiều vấn đề vướng trong pháp luật hiện hành, đã được doanh nghiệp phản ánh nhưng vẫn chưa thấy đề xuất sửa đổi, bổ sung trong các phương án đưa ra.
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng chỉ ra nghịch lý, trong khi Chính phủ thúc đẩy hoạt động cải cách, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp thông qua đơn giản hóa, cắt bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính thì một số chính sách đề xuất soạn thảo mới trong năm 2021 lại có xu hướng gia tăng thêm điều kiện kinh doanh.
Ví dụ như xuất khẩu gạo với việc quay trở lại điều kiện về diện tích tối thiểu của kho chuyên dùng, công suất tối thiểu của cơ sở xay xát hoặc chế biến thóc gạo. Trong kinh doanh dịch vụ thẩm định giá với đề xuất sửa đổi Luật giá theo hướng nâng cao hơn điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp thẩm định giá.