Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động (HOSE: MWG) được xem là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc mở rộng lĩnh vực bán lẻ dược phẩm thông qua chuỗi nhà thuốc An Khang, tương tự như cách họ đã tiến vào thị trường bán lẻ thực phẩm với chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh.
Trái ngược với những gì Bách Hóa Xanh đang thể hiện, kết quả kinh doanh của chuỗi nhà thuốc An Khang không đạt hiệu quả như mong muốn của ban lãnh đạo. Động thái đóng cửa hàng loạt nhà thuốc thời gian gần đây của MWG đã thừa nhận sự thật phũ phàng này.
Từng mở liên tục 100 cửa hàng trong vòng một tháng, nhưng nay chuỗi nhà thuốc này phải đối mặt với tình trạng đóng cửa hàng loạt do thua lỗ. (Ảnh: Nhà thuốc An Khang.) |
Sau khoảng 6 năm hoạt động, tới nay chuỗi nhà thuốc An Khang vẫn tiếp tục chật vật trong việc đạt được điểm hòa vốn và tạo ra lợi nhuận. Theo số liệu công bố, trong giai đoạn 2022 - 2023, mỗi năm nhà thuốc An Khang lỗ hơn 300 tỷ đồng. Đến nửa đầu năm 2024, chuỗi nhà thuốc này tiếp tục lỗ 172 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế tính tới cuối tháng 6/2024 lên gần 834 tỷ đồng.
Hai tháng qua (tháng 6 - 8/2024), An Khang đã thu hẹp quy mô từ 526 cửa hàng xuống còn 326 cửa hàng, tức là giảm hơn 200 điểm bán trong thời gian ngắn ngủi. Đây là một phần của quá trình tái cấu trúc nhằm cứu vãn tình hình kinh doanh đang “tuột dốc không phanh” của chuỗi nhà thuốc này, theo chia sẻ từ ban lãnh đạo MWG.
Hiện tại, bình quân mỗi nhà thuốc An Khang chỉ đạt hơn 500 triệu đồng doanh thu/tháng, trong khi điểm hòa vốn yêu cầu tối thiểu là 550 triệu đồng. Con số chênh lệch tưởng nhỏ, nhưng khoảng cách thực tế để chạm đến điểm hòa vốn lại rất xa giữa bối cảnh chi phí vận hành không có dấu hiệu được giảm tải hiệu quả.
Vì vậy, chiến lược của MWG là đang tập trung tinh gọn các điểm kinh doanh, mạnh tay đóng cửa các cửa hàng không sinh lời và điều chỉnh mô hình kinh doanh của cả chuỗi An Khang nhằm phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Nhìn lại năm 2022, MWG đã phải trải qua một giai đoạn tương tự với Bách Hóa Xanh – một chuỗi bán lẻ từng được kỳ vọng rất lớn nhưng phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nghiêm trọng như chi phí vận hành cao, vị trí cửa hàng không phù hợp và sản phẩm không đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Kết quả là MWG đã đóng hơn 400 cửa hàng Bách Hóa Xanh và tập trung tái cấu trúc. Sau quá trình thu hẹp và cải thiện vận hành kéo dài gần hai năm, Bách Hóa Xanh đã có những tín hiệu khởi sắc khi bắt đầu ghi nhận lợi nhuận từ tháng 7/2024.
Có thể thấy, An Khang hay Bách Hóa Xanh có điểm chung là đều gặp phải tình trạng “phình to” nhanh chóng về quy mô trong giai đoạn đầu mở rộng. Cạnh tranh khốc liệt từ thị trường là một yếu tố quan trọng khiến chiến lược của MWG gặp thất bại: Bách Hóa Xanh phải đối đầu với các siêu thị nhỏ và chuỗi cửa hàng tiện lợi, trong khi An Khang chịu áp lực cạnh tranh từ các đối thủ mạnh và hàng nghìn nhà thuốc truyền thống.
Hiện nay, phần lớn các nhà thuốc An Khang được đặt ở những khu dân cư thưa thớt và xa trung tâm thành phố – nơi có lượng khách hàng thấp và nhu cầu về các loại thuốc đặc trị chưa cao. Điều này khiến cho nhiều cửa hàng rơi vào tình trạng doanh thu thấp kéo dài.
Để thay đổi, ngoài tinh gọn lực lượng, MWG cần tiến hành rà soát kỹ lưỡng lại mạng lưới phân phối và thực hiện dịch chuyển vị trí cửa hàng đến những khu vực có mật độ dân cư cao hơn, gần các khu trung tâm thương mại hoặc những khu phố đông đúc để tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn.
Đây cũng là cách mà các đối thủ đang thực hiện rất thành công, khi họ lựa chọn những vị trí "vàng" với lượng người qua lại lớn, giúp tăng khả năng tiếp cận và gia tăng doanh thu. Tránh xa các điểm bán xa khu dân cư, khó thu hút khách, và hướng đến các vị trí chiến lược để đảm bảo hiệu quả đầu tư, là hướng đi đúng đắn cho hãng bán thuốc này.
Tóm lại, với chiến lược tái cấu trúc sắp tới đây của An Khang sẽ không chỉ dừng lại ở việc cắt giảm số lượng cửa hàng hay tiết giảm chi phí, mà còn phải đi kèm với việc tái định vị thương hiệu, thay đổi mô hình hoạt động và cải thiện toàn diện về mặt vận hành. Đây là một bài toán khó, nhưng nếu MWG thực hiện đúng cách, An Khang hoàn toàn có thể quay trở lại đường đua và dần khẳng định vị thế của mình trên thị trường dược phẩm đầy tiềm năng nhưng cũng lắm cạnh tranh khốc liệt.