Nên cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào xử lý nợ xấu Bức tranh FDI 5 tháng: Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài được củng cố? |
Chia sẻ tại một sự kiện về thu hút đầu tư nước ngoài mới đây, ông Steve Wolstenholme - Chủ tịch Hoiana Resort & Golf khẳng định, cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch là rất lớn.
Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch |
Lý do được ông Steve Wolstenholme đưa ra là: Việt Nam được sự ưu đãi rất lớn về thiên nhiên, sở hữu đường bờ biển trải dài 3.260km, nhiều vùng biển đảo đẹp còn hoang sơ cùng khí hậu nhiệt đới có thể khai thác du lịch quanh năm. Ngoài ra, nền văn hóa đa dạng, phong phú của Việt Nam cùng con người thân thiện, hiếu khách cũng là một nguồn “tài nguyên” quý giá, tạo cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch.
“Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới với tổng thu từ du lịch trong năm 2019 đạt khoảng 755.000 tỷ đồng, chiếm gần 10% GDP. Tôi cho rằng con số này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của du lịch Việt Nam” - ông Steve Wolstenholme nhận định và cho rằng, du lịch Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển. Ngoài việc bảo tồn và phát huy những lợi thế có sẵn của địa phương, các nhà đầu tư nước ngoài, với lợi thế về nguồn vốn, kinh nghiệm quản trị, thương hiệu và nguồn khách quốc tế có sẵn, có thể tạo ra một hệ sinh thái với đa dạng dịch vụ, sản phẩm du lịch. Một số sản phẩm tiềm năng có thể kể đến như: Du lịch mạo hiểm, du lịch y tế, du lịch golf...
Cũng nói về cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đại diện Hoiana Resort & Golf khẳng định, không chỉ có tiềm năng phát triển ngành du lịch, môi trường đầu tư của Việt Nam còn được đánh giá thông thoáng, cởi mở với nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện các thủ tục đầu tư.
Trong đợt dịch Covid-19 hai năm vừa qua, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất, nhưng các cơ quan Chính phủ đã tích cực đưa ra nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ kịp thời như: Giảm giá điện, giảm tiền thuê đất, gia hạn tiến độ đầu tư... Ngay khi dịch thuyên giảm, các cơ quan Chính phủ cũng đã nhanh chóng thích ứng, điều chỉnh cơ chế cũng như tổ chức nhiều hội thảo, chương trình xúc tiến để ngành du lịch có thể sớm phục hồi và hoạt động trở lại.
Sở hữu đường bờ biển trải dài hơn 3.000km, nhiều vùng biển đảo đẹp còn hoang sơ cùng khí hậu nhiệt đới có thể khai thác du lịch quanh năm là lợi thế để Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư ngoại vào lĩnh du lịch |
Bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan Chính phủ, các nhà đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, tại các địa phương, công tác quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng được chú trọng và đầu tư đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông. Điển hình như tại tỉnh Quảng Nam, “Một trong những công trình có ý nghĩa rất quan trọng với chúng tôi là tuyến đường bộ ven biển kết nối thông suốt từ Đà Nẵng đến Chu Lai. Công trình này đã giúp việc tiếp cận các dự án du lịch nghỉ dưỡng như Hoiana trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn, tạo tiền đề phát triển cho vùng Đông của Quảng Nam” – ông Steve Wolstenholme khẳng định.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tháng 5/2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 916,3 nghìn lượt người, tính chung 5 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 4,6 triệu lượt người, gấp 12,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khách châu Á là 3.400,3 nghìn lượt người, gấp 14,7 lần so với cùng kỳ năm trước; khách châu Âu là 621,1 nghìn lượt người, gấp 9,5 lần; khách châu Mỹ là 396,0 nghìn lượt người, gấp 8,0 lần; châu Úc là 172,1 nghìn lượt người, gấp 9,7 lần và khách châu Phi là 10,5 nghìn lượt người, gấp 6,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách quốc tế vào Việt Nam tăng mạnh sau dịch bệnh cho thấy sức hấp dẫn của ngành du lịch Việt Nam và điều này sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài triển khai các dự án tại Việt Nam.
Để tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tháng 4/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Theo đó, căn hộ khách sạn, căn hộ nghỉ dưỡng (condotel), văn phòng lưu trú (officetel), biệt thự du lịch nghỉ dưỡng và những công trình khác phục vụ lưu trú du lịch trên đất thương mại, dịch vụ nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì được chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, việc ban hành Nghị định này có ý nghĩa rất lớn trong việc tháo gỡ những nút thắt về pháp lý cho phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Cụ thể là tạo thuận lợi cho người mua căn hộ khách sạn, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng và văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng trong bối cảnh phân khúc này thời gian qua bị kẹt do vướng mắc về pháp lý. Điều này cũng tạo niềm tin cho các nhà đầu tư quay trở lại đầu tư vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vốn được đánh giá rất có tiềm năng phát triển tại Việt Nam. Qua đó góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2023 gấp 12,6 lần so với cùng kỳ năm trước, nhưng theo Tổng cục Thống kê, kết quả này vẫn chỉ bằng 63% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19. Theo đó, tiềm năng để Việt Nam thu hút đầu tư vào ngành du lịch vẫn rất lớn. |