Vốn đăng ký mới tăng, niềm tin của nhà đầu tư được củng cố
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa báo cáo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) 5 tháng đầu năm. Theo đó, trong 5 tháng, Việt Nam thu hút 962 dự án FDI mới, tăng 66,4% về số dự án so với cùng kỳ năm trước, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 5,26 tỷ USD, tăng 27,8% về số vốn so với cùng thời điểm năm 2022.
Việt Nam hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài |
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư nước ngoài mới 5 tháng đầu năm tăng mạnh hơn so với mức tăng trong 4 tháng. Số dự án đầu tư mới tiếp tục tăng nhẹ 1,2 điểm phần trăm so với 4 tháng và tăng mạnh so với cùng kỳ với mức tăng 66,4%.
"Tốc độ tăng số dự án mới lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư, điều đó cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài quy mô vừa và nhỏ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mới. Trong khi đó, các tập đoàn lớn hiện đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được áp dụng vào năm 2024" - Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Cùng đánh giá về niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho rằng: Trả lời khảo sát của JETRO mới đây, có tới 60% nhà đầu tư Nhật Bản cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong vòng 1-2 năm tới, tỷ lệ này cao nhất khu vực ASEAN.
"Trong khi đó, các nhà đầu tư châu Âu đã xếp Việt Nam vào trong Top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu. Theo khảo sát của EuroCham, có tới 41% số doanh nghiệp được hỏi cho biết, họ đang chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam" - Thứ trưởng Đỗ Thành Trung thông tin thêm.
5 tháng đầu năm Việt Nam cũng ghi nhận có 485 lượt dự án FDI đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 2,28 tỷ USD, giảm 59,4% so với cùng kỳ năm 2022. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư điều chỉnh giảm so với cùng kỳ do không có nhiều các dự án điều chỉnh vốn lớn song mức giảm đã được cải thiện hơn so với các tháng đầu năm. Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng tăng mạnh hơn, tăng 22,8% so với cùng kỳ thay vì tăng 19,5% trong 4 tháng, 2,6% trong 3 tháng và giảm 6,3% trong 2 tháng đầu năm, điều đó khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.
Có 1.278 giao dịch góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 5,6% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp đạt gần 3,32 tỷ USD, tăng 67,2% so với cùng kỳ 2022.
Công nghiệp chế biến, chế tạo hấp dẫn nhà đầu tư nước |
Công nghiệp chế biến chế tạo vẫn "hút" vốn ngoại
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 6,64 tỷ USD, chiếm 61,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 2,5% so với cùng kỳ. Ngành hoạt động tài chính, ngân hàng đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,53 tỷ USD, chiếm hơn 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ. Các ngành kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 1,16 tỷ USD, giảm 61,3% và gần 481 triệu USD, tăng 28,3%.
Nếu xét về số lượng dự án mới, công nghiệp chế biến chế tạo cũng là ngành dẫn đầu về số dự án mới, chiếm 29,5% và điều chỉnh vốn, chiếm 55,1%. Bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số giao dịch góp vốn mua cổ phần, chiếm 41,3%.
Trong 5 tháng đầu 2023, đã có 82 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,53 tỷ USD, chiếm hơn 23,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng thứ hai với gần 2,1 tỷ USD, chiếm gần 19,1% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,61 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc,…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, các nhà đầu tư đến từ châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, riêng 6 đối tác này đã chiếm tới 76,6% tổng vốn đầu tư của cả nước trong 5 tháng.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 50 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 5 tháng đầu năm 2023. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,87 tỷ USD, chiếm gần 17,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp gần 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bắc Giang xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1 tỷ USD, chiếm hơn 9,4% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng gấp gần 2,4 lần so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…
Từ thực tế trên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các dự án FDI mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài nhờ cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư như: Hà Nội, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng...
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, thu hút FDI vào Hà Nội bắt đầu đối diện với những khó khăn do thiếu mặt bằng cho các dự án FDI có quy mô lớn. Tình trạng này cũng diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh. Do vậy để hấp dẫn FDI, một số địa phương đang đề xuất cần có những chính sách thống nhất về Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.
5 tháng đầu năm, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng 7,65 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng tăng 0,4 điểm phần trăm so với 4 tháng đầu năm. |