Kỳ vọng "về bờ" của giới đầu tư chứng khoán sau năm "đu đỉnh" Một nhà đầu tư chứng khoán đi bộ hơn 4.000 km từ Cà Mau đến Hà Nội |
Bi kịch đầu tư chứng khoán qua app
Công an TP. Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, nhiều đối tượng tội phạm đã lập các app lừa đảo trên không gian mạng, để lôi kéo nhà đầu tư. Với chiêu thức tinh vi, nhiều nhà đầu tư đã mắc bẫy các đối tượng lừa đảo và bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
Theo cơ quan chức năng, các đối tượng lừa đảo đưa ra cam kết lợi nhuận hấp dẫn, đòn bẩy cao gấp nhiều lần, thậm chí là được mua cổ phiếu ưu đãi giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường.
Ban đầu, các app này để người đầu tư có lãi, kích thích nạp thêm tiền. Sau đó, đối tượng sẽ tư vấn để "con mồi" nạp tiền nhiều hơn rồi sẽ khóa app, không cho rút tiền. Theo cơ quan chức năng, nhiều người đã trở thành nạn nhân, bị lừa đảo chiếm đoạt, không rút được tiền đầu tư.
Chị P. đầu tư chứng khoán qua app “G.F” và bị chiếm đoạt tiền |
Một nạn nhân của trò lừa đảo này phải kể đến là chị P (SN 2003, hộ khẩu thường trú tại huyện Đông Anh, TP. Hà Nội). Trước đó, chị P. đã tham gia nhóm học tập, trao đổi kinh nghiệm về chứng khoán.
Sau đó, chị P. được hướng dẫn tải app “G.F” để đầu tư. Sau khi chơi thử, nạp 27 triệu đồng thì chị P. rút được 33 triệu đồng trên app. Thấy lợi nhuận cao, nạn nhân đã nạp thêm hơn 400 triệu đồng để đầu tư, nhưng không rút được tiền ra. Lo lắng, chị P có liên hệ bên quản lý app, thì được yêu cầu đóng phí 10% mới được rút tiền. Nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, chị P. đã đến Công an quận Đống Đa trình báo sự việc.
Cuối tháng 11/2022, chị H. (trú tại Hà Nội) bị một người mạo danh là nhân viên môi giới Công ty Chứng khoán DSC, mời tham gia một nhóm đầu tư chứng khoán. Nhóm này đưa ra khuyến nghị đầu tư, với những ví dụ về mức lợi suất rất hấp dẫn.
Sau đó, chị Huyền đã truy cập vào đường link do đối tượng này gửi để tải app đầu tư và nộp 80 triệu đồng vào tài khoản này. Ngay khi nộp tiền xong, chị gọi điện vào số máy của người kia thì không liên lạc được. Khi đến Công ty Chứng khoán DSC để hỏi, chị H. mới ngỡ ngàng biết mình đã bị lừa.
Lãnh đạo Công ty Chứng khoán DSC cho biết, thời gian vừa qua, công ty đã tiếp nhận thông tin từ một số nhà đầu tư phản ánh về việc một số cá nhân, tổ chức mạo danh, lừa đảo để chiếm đoạt từ vài chục triệu đồng cho tới cả tỷ đồng. DSC đã thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết, để bảo vệ uy tín của công ty.
Cẩn thận chiêu trò “tung hỏa mù” mua bán chứng khoán
Thời gian qua, rất nhiều các hội, nhóm đầu tư chứng khoán được tạo ra trên các nền tảng mạng xã hội làm nơi trao đổi, tham khảo thông tin, hỗ trợ nhà đầu tư trong việc ra quyết định mua, bán trên thị trường chứng khoán. Thực tế, cũng có không ít những cá nhân môi giới chứng khoán có uy tín đã tạo ra các hội, nhóm để chia sẻ cơ hội đầu tư, thậm chí hướng dẫn cho những nhà đầu tư mới làm quen với việc đầu tư chứng khoán.
Tuy nhiên, thực tế cũng đã xuất hiện hiện tượng một số đối tượng lợi dụng các diễn đàn, hội, nhóm trên các nền tảng mạng xã hội như zalo, facebook,… để tung tin đồn, phát tán tài liệu giả mạo của cơ quan quản lý nhà nước, thông tin không đúng sự thật nhằm mục đích lôi kéo, xúi giục nhà đầu tư mua bán chứng khoán.
Theo một số chuyên gia kinh tế, hậu quả của việc tung tin sai lệch đặc biệt là những thông tin liên quan đến các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, không chỉ gây thiệt hại về tài chính, hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp mà còn gây ra khủng hoảng niềm tin của nhà đầu tư. Nguy hiểm nhất, việc này dễ tạo nên "hiệu ứng domino" lan sang nhiều lĩnh vực từ bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm...
Nhà đầu tư cần cẩn trọng trước những thông tin "rác" liên quan đến thị trường chứng khoán |
Theo quy định tại Luật Chứng khoán, các hành vi tung tin đồn sai sự thật, cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán là các hành vi bị cấm. Có thể thấy, trong quá trình thực hiện công tác quản lý, giám sát, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rất chú trọng việc giám sát, xử lý thông tin trên không gian mạng, phối hợp với các cơ quan chức năng trong phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật Chứng khoán.
Tuy nhiên, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn bất chấp quy định, kêu gọi đầu tư trái phép dưới các hình thức khác nhau như hợp tác đầu tư, quản lý quỹ,... Điểm chung của các hình thức kêu gọi đầu tư này đều cam kết lợi nhuận “khủng”, nhằm lôi kéo các nhà đầu tư xuống tiền.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, nhà đầu tư cần cẩn trọng, cân nhắc kỹ để tránh bị lôi kéo, sa vào các luồng thông tin trên không gian mạng, các nhóm chat nêu trên. Khi tham gia thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cần trang bị cho mình kiến thức về chứng khoán, thị trường chứng khoán, tài chính doanh nghiệp và nắm bắt đầy đủ các quy định pháp luật để đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật. Điều rất quan trọng là việc các nhà đầu tư cần xem xét, cân nhắc thật thận trọng khi đánh giá tiềm năng đầu tư của doanh nghiệp, dựa trên đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh, định hướng phát triển.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư tìm hiểu và trao đổi thông tin liên quan đến thị trường chứng khoán cần lưu ý việc tham khảo, kiểm chứng dựa trên các kênh chính thống của các cơ quan chức năng, từ chính doanh nghiệp và các đơn vị có chức năng tư vấn, môi giới chứng khoán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép.
Từ vụ việc lừa đảo nêu trên, Công an TP. Hà Nội cũng khuyến cáo, người dân cần cẩn thận khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán, trên các app không rõ nguồn gốc để tránh bị lừa đảo. Ngoài ra, mọi người có thể tìm hiểu về các app, dịch vụ, sản phẩm đầu tư của các công ty quản lý quỹ được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép tại website của các công ty quản lý quỹ.
Cơ quan chức năng cũng lưu ý, người dân khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần đến cơ quan Công an nơi gần nhất trình báo sự việc, để được hỗ trợ, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.