Công đoàn Công ty Thuốc lá Sài Gòn: Gây dựng niềm tin Công ty Thuốc lá Sài Gòn: Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững |
Tính riêng 5 năm qua, Nguyễn Việt Cường - Kỹ thuật Phân xưởng - Phân xưởng Vấn Bao, Công ty Thuốc lá Sài Gòn, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã đóng góp được 5 sáng kiến, với tổng giá trị làm lợi 15,464 tỷ đồng.
5 năm qua, Nguyễn Việt Cường đóng góp được 5 sáng kiến |
Điển hình như sáng kiến: “Chế tạo bộ tách gói và bộ bàn ủi để làm căng bề mặt bóng kính bao trên máy Focke số 2” (năm 2018), có giá trị làm lợi 200 triệu đồng.
Anh Cường cho biết, trước khi có sáng kiến, công ty đã nhận được phản ảnh của khách hàng về sản phẩm bao bóng kính trên máy Focke hay bị nhăn, rộng bề mặt bóng kính. Với kết cấu cũ của máy sau khi bao bóng kính máy đưa ra bao đôi nên bao bên dưới không được ủi thêm bề mặt bóng kính, làm cho bóng kính ở bao này không căng.
“Để giải quyết tình trạng này, tôi đã nghiên cứu, kể cả tham khảo kết cấu của các máy cùng chủng loại hiện có tại các đơn vị bạn chế tạo bộ tách bao đôi và gắn thêm kết cấu bàn ủi mặt cho các bao thuốc sau khi được bao bóng kính đưa ra”, Nguyễn Việt Cường cho biết.
Sau khi áp dụng, sáng kiến không chỉ tăng chất lượng sản phẩm, làm căng bề mặt bóng kính bao mà máy hoạt động hiệu quả, sản phẩm hư hỏng ít; đảm bảo chất lượng sản phẩm, giải quyết được khiếu nại từ khách hàng; không phải nhập bộ này từ nước ngoài với kinh phí rất cao.
Hay với sáng kiến “Thiết kế, chế tạo và lắp ráp mới máy đóng thùng tự động nhằm từng bước tự động hóa, giảm lao động trên một dây chuyền sản xuất để tăng năng suất lao động theo chủ trương của lãnh đạo công ty” (năm 2019) đã mang lại giá trị làm lợi 15,168 tỷ đồng/3 máy.
Được biết, trước khi có sáng kiến thì tút thành phẩm từ dây chuyền sản xuất ra được người lao động bắt bằng tay rồi đưa vào thùng carton thành phẩm đã được chuẩn bị trước đó. Sau khi đã đủ tút trong thùng carton thành phẩm người lao động tiếp tục thực hiện thao tác đóng nắp thùng carton, dán băng keo miệng thùng rồi đẩy thùng carton ra vị trí khác và tiếp tục bỏ tút vào thùng carton mới khác. Trong suốt thời gian sản xuất như vậy cần phải có hai lao động thay phiên nhau thực hiện công đoạn bỏ tút vào thùng carton thành phẩm.
Đứng trước những vấn đề nêu trên, cùng với chủ trương của lãnh đạo công ty từng bước nâng cao tự động hóa trong dây chuyền sản xuất để tăng năng suất lao động, cũng như giảm được chi phí sản xuất, Nguyễn Việt Cường đã “nảy” ra sáng kiến mới.
Anh cho biết: Sau khi áp dụng sáng kiến “Thiết kế, chế tạo và lắp ráp mới máy đóng thùng tự động nhằm từng bước tự động hóa, giảm lao động trên một dây chuyền sản xuất để tăng năng suất lao động theo chủ trương của lãnh đạo công ty”, từ công đoạn tút thành phẩm đến công đoạn đóng thùng carton thành phẩm hoàn toàn tự động, không có sự can thiệp của công nhân. Như vậy, vừa giảm được một lao động tại công đoạn bỏ tút vào thùng carton thành phẩm vừa giảm bớt cường độ nặng nhọc của lao động còn lại, do chỉ thực hiện thao tác vận hành máy, kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Hiện tại, máy đóng thùng tự động đã triển khai chế tạo mới được 3 máy, 2 máy được kết nối vào dây chuyền tốc tộ cao Focke, 1 máy được kết nối vào 2 dây chuyền máy AMF.
Còn với sáng kiến “Tính toán, thiết kế tỉ số truyền bộ bánh răng truyền động Rulo kéo giấy bóng kiếng bao của máy GD-C600 để rút ngắn chiều dài giấy bóng kiếng nhằm tiết kiệm nguyên vật liệu trong sản xuất” (năm 2020) của anh không chỉ có giá trị làm lợi 50 triệu đồng/mỗi năm mà còn giúp tiết kiệm nguyên vật liệu, chi phí phụ tùng trong sản xuất.
Qua tìm hiểu được biết, sau khi áp dụng sáng kiến, bản thân anh Cường cùng với anh em thợ sửa chữa đã tính toán lại tỉ số truyền của bộ bánh răng truyền động Rulo kéo giấy bóng kiếng bao, lên bản vẽ chi tiết các bánh răng và đặt gia công phụ tùng, thay thế các bánh răng hiện hữu trên máy. Đến nay, máy hoạt động ổn định, đảm bảo chất lượng sản phẩm, hiệu suất máy; sản phẩm sản xuất ra đạt chất lượng; tiết kiệm được nguyên vật liệu đưa vào sản xuất (từ chiều dài giấy bóng kiếng 172mm rút ngắn thành 169mm trên một bao thuốc).
Các sáng kiến của Nguyễn Việt Cường không chỉ làm lợi cho công ty hàng chục tỷ đồng mà còn giúp công nhân tiết giảm sức lao động |
Ngoài ra, nhắc đến Nguyễn Việt Cường, anh em trong công ty nghĩ ngay đến sáng kiến “Thiết kế lại bộ truyền động trục vít bánh vít để phục hồi hộp số của motơ chỉ xé trên dây chuyền Focke” (năm 2021), có giá trị làm lợi 36 triệu đồng; hay sáng kiến “Thiết kế bộ phụ tùng chuyển đổi sản phẩm từ quy cách bao Demislim83 sang quy cách bao Demislim90 trên dây chuyền HLP”, giá trị làm lợi 100 triệu đồng.
Với thành tích đã đạt được, từ năm 2018 - 2022, Nguyễn Việt Cường đạt được nhiều danh hiệu như: Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua Ủy ban Quản lý vốn. Từ năm 2019 - 2021, anh nhận được nhiều khen thưởng như: Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn, Giấy khen Tổng công ty, Bằng khen Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp...
Không chỉ nỗ lực thi đua sản xuất, Nguyễn Việt Cường còn được đồng nghiệp nhận xét là người nhiệt tình chia sẻ và giúp đỡ người khác trong công việc; hướng dẫn nhiệt tình về trình độ tay nghề cho công nhân mới. Trong năm 2018, ngoài sản xuất anh còn tham gia giảng dạy 69 giờ cho 24 người; năm 2019 là 73 giờ cho 27 người; năm 2020 là 147h cho 29 người; năm 2022 lên đến 165 giờ cho 25 người. |