Nguồn vốn chính sách: Nơi gửi gắm niềm tin của đồng bào nghèo Nguồn vốn chính sách làm lại cuộc đời |
Thông tin từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng đã chủ động bám sát Nghị quyết của Chính phủ; Chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Nghị quyết của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội để tập trung chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao và đạt được những kết quả khả quan trên các mặt hoạt động, kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 372.723 tỷ đồng, tăng 26.299 tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm 2023; trong đó, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 46.929 tỷ đồng, tăng 7.755 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,6%. Điển hình một số tỉnh, thành phố chuyển nguồn vốn ủy thác cho vay nhiều trong 6 tháng đầu năm 2024, như: TP. Hà Nội (+1.622 tỷ đồng), TP. Hồ Chí Minh (+1.068 tỷ đồng), Cao Bằng (+319 tỷ đồng), TP Đà Nẵng (+264 tỷ đồng), Hải Dương (+234 tỷ đồng), Đồng Nai (+226 tỷ đồng)…
Tín dụng chính sách đến với đồng bào dân tộc thiểu số |
Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến ngày 30/6/2024 đạt 350.513 tỷ đồng, tăng 18.589 tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm 2023, với trên 6,8 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Gắn liền với việc tăng trưởng dư nợ, việc nâng cao chất lượng tín dụng được chú trọng thực hiện. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,56%/tổng dư nợ, trong đó, nợ quá hạn chiếm 0,21%/tổng dư nợ.
Tổng doanh số cho vay toàn hệ thống trong 6 tháng đầu năm đạt 63.937 tỷ đồng, với trên 1,3 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 403 nghìn lao động, trong đó hơn 4,7 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và gần 4,2 nghìn lượt người chấp hành xong án phạt tù có việc làm; giúp hơn 24,2 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng hơn 1.018 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 646 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống; hơn 2,4 nghìn căn nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách…
Tại phiên họp Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội thường kỳ quý II/2024 được tổ chức mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội - đánh giá, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức cả trong và ngoài nước, tuy nhiên hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội đã nỗ lực, vượt qua khó khăn vừa đảm bảo được chất lượng tín dụng tốt. Đồng thời quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện chính sách một cách nhanh chóng, kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng góp phần ổn định và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đầu tư tín dụng ưu đãi các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Phiên họp Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội thường kỳ quý II/2024 |
Trong thời gian tới, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Thống đốc yêu cầu toàn hệ thống tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm tăng cường huy động các nguồn lực, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương.
Tập trung tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2024, giải ngân kịp thời, đến đúng đối tượng thụ hưởng. Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về về huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính, về đối tượng, mức cho vay… để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Cùng với tăng trưởng tín dụng, Thống đốc yêu cầu toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông về tín dụng chính sách xã hội và hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội; tập trung thực hiện chuyển đổi số, triển khai các dự án trọng tâm nhằm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng toàn diện cho các đối tượng khách hàng của Ngân hàng Chính sách Xã hội.