Cần thận trọng trong điều hành lãi suất Điều hành lãi suất theo diễn biến lạm phát Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành cân bằng lãi suất và tỷ giá, gỡ khó cho sản xuất |
Chuyên đề 1 của Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 diễn ra ngày 19/9 tập trung thảo luận tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng vào các vấn đề như khả năng hấp thụ vốn, chính sách tài khoá, tiền tệ và các chính sách khác giúp doanh nghiệp vượt khó và tăng cường năng lực nội sinh.
Trao đổi bàn tròn tại Diễn đàn, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đề cập về vấn đề điều hành chính sách tiền tệ từ nay đến hết năm và đầu năm 2024.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước |
“Chưa bao giờ việc điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như thời gian qua” - ông Tú nói và cho biết, việc điều hành chính sách tiền tệ của các quốc gia khác trên thế giới đã ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, nhất là sau 2 năm đại dịch Covid-19 và tình hình sản xuất của thế giới.
Do đó, ông Đào Minh Tú cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua rất linh hoạt, thận trọng, chắc chắn, thực hiện các mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là phối hợp với các chính sách vĩ mô khác để đảm bảo sự cạnh tranh cũng như đảm bảo sự phấn đấu của các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp trong nền kinh tế. “Điều hành lãi suất là khó nhất trong điều hành kinh tế của lĩnh vực ngân hàng, tiền tệ” - ông Tú nói.
Căn cứ theo chỉ đạo của Chính phủ và cân cứ vào tình hình thực tế của nền kinh tế, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, đã 4 lần giảm lãi suất điều hành Ngân hàng Nhà nước, đồng thời tạo dư địa, thanh khoản cho thị trường, nền kinh tế, đặc biệt thanh khoản cho các tổ chức tín dụng nhằm tạo dư địa cho các ngân hàng thương mại có giá vốn rẻ để có thể cho vay lãi suất thấp.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, hạn mức tăng trưởng tín dụng chính là công cụ để điều tiết nền kinh tế và điều tiết chung việc tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát.
“Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã nới rất rộng, tạo thông điệp rằng tín dụng sẵn sàng hỗ trợ và mở rộng cho các doanh nghiệp” - ông Tú khẳng định và nhấn mạnh, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì quan điểm điều hành như vậy, do đó, cần phải tìm điểm cân bằng giữa lãi suất và tỉ giá, đồng thời, điều hành chặt chẽ, hợp lý.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cũng chia sẻ, giai đoạn vừa qua, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí cũng như các loại thu ngân sách Nhà nước, thực hiện cải cách hành chính, triển khai hóa đơn điện tử trong một số lĩnh vực.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng |
Đồng thời, thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công, tăng chi để kích cầu nền kinh tế... Qua đó, góp phần giúp cho nhiều doanh nghiệp vượt qua khó khăn; giữ ổn định cho nền kinh tế. “Kết quả, kinh tế của Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm sáng của kinh tế khu vực và thế giới” - ông Hưng cho hay.
Ông Jochen Schmittmann - Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam chia sẻ, theo dự báo của IMF, việc siết chặt chính sách của các ngân hàng Trung ương đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Do đó, nếu lạm phát được duy trì trên toàn cầu, cần có chính sách tài khóa tiền tệ chặt chẽ hơn.
“Đối với Việt Nam, tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm xuống 3,7% trong 6 tháng đầu năm 2023, nhưng về tương lai, kinh tế Việt Nam có thể phục hồi, nhất là xuất khẩu và tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản” - ông Jochen Schmittmann nói.
Song, đại diện IMF cho rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhu cầu hàng hóa giảm xuống ảnh hưởng đến thị trường, trong đó có thị trường lao động. Vì vậy, cần có giải pháp ứng phó phù hợp, trong đó cần có các chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Đưa ra gợi ý, ông Jochen Schmittmann cho rằng, Ngân hàng Nhà nước phải hết sức cẩn trọng về các chính sách tài chính, các vấn đề lãi suất, thị trường liên ngân hàng, cần tăng cường thực thi chính sách, giải quyết điểm nghẽn đầu tư công, đặc biệt sử dụng đất.
“Điều quan trọng tiếp theo là phải có pháp luật ổn định, nhất quán liên quan đến đầu tư, bảm đảm niềm tin cho các doanh nghiệp” - ông Jochen Schmittmann gợi ý