CôngThương - Theo đánh giá của Chính phủ, lãi suất cho vay thời gian qua phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 10 -13%/năm; lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác ở mức 12-15%/năm. Để giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh, nhưng không để lạm phát tăng trở lại, Chính phủ đã yêu cầu NHNN xem xét áp dụng trần lãi suất cho vay và giảm lãi suất cho vay. Năm 2012, mức lạm phát có thể vào khoảng 7,5%, sang năm 2013, theo mục tiêu mà Chính phủ trình Quốc hội thì lạm phát sẽ thấp hơn, tăng trưởng cao hơn; lãi suất sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến của lạm phát. Vì thế, ngay trong tháng 12, NHNN phải lên phương án điều hành cụ thể để kéo lãi suất xuống sát tình hình diễn biến của lạm phát.
Cũng liên quan đến hoạt động ngân hàng, Chính phủ đã yêu cầu NHNN sớm trình Chính phủ đề án xử lý nợ xấu. Việc giải quyết nợ xấu được xem xét là cần một giải pháp đồng bộ từ nhiều bộ, ngành bởi nợ xấu liên quan đến hàng tồn kho, bất động sản… Các ngân hàng phải dùng nguồn lực của mình trích lập Quỹ dự phòng rủi ro theo đúng quy định của pháp luật để giải quyết từng khoản nợ xấu. Thời gian qua các tổ chức tín dụng cũng đã trích lập được khoảng 75.000 tỷ đồng Quỹ dự phòng rủi ro. Với việc tập trung giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản, khoảng 90.000 tỷ đồng, thì đây cũng sẽ là nguồn lực đáng kể để xử lý nợ xấu.