Khảo sát tại một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội như: Kim Liên, Thành Công, Dịch Vọng,… và chợ đầu mối phía Nam, hiện giá trứng gia cầm có xu hướng nhích lên 300 – 500 đồng/quả. Cụ thể, giá trứng gà công nghiệp khoảng 3.300 đồng/quả, giá trứng gà ta dao động 4.000 – 4.500/quả tùy kích cỡ, giá trứng vịt có giá 4.000 đồng/quả. Theo các tiểu thương, so với đầu tháng, nguồn cung trứng cũng ít hơn nên các tiểu thương cho biết không nhập được nhiều hàng. Trong khi đó, nhu cầu trứng của thị trường tăng cao nhất là trong bối cảnh nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội, người dân mua nhiều trứng vì là thực phẩm dễ sử dụng, để dành được lâu.
Nguồn cung trứng gia cầm còn rất nhiều, không lo thiếu hàng |
Tại siêu thị Big C Thăng Long (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy), Big C Garden (Mễ Trì, Nam Từ Liêm), giá trứng gà ta ở mức 48.500 đồng một chục, tăng hơn 3.000 đồng so với tuần trước. Gian bán trứng gia cầm tại hệ thống siêu thị Big C còn treo thông báo "do số lượng có hạn, mỗi ngày khách hàng chỉ được mua 3 vỉ trứng các loại/khách hàng/ngày".
Tại VinMart Thăng Long (Trần Đăng Ninh, Cầu Giấy, Hà Nội) và BRGMart C13 Thành Công, các mặt hàng trứng gia cầm, nhất là trứng gà đã được siêu thị tăng lượng hàng dự trữ lên gấp đôi và cũng mở rộng nhà cung cấp. Siêu thị đồng thời giới hạn số lượng trứng mà khách được mua tối đa 2 vỉ/người/ngày. Việc này, được các siêu thị lý giải, nhằm tránh tình trạng người tiêu dùng mua gom hàng và hết hàng cục bộ.
Trước đó, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố hiện thiếu hụt nguồn cung rau, củ, quả với sản lượng khoảng 1.000-1.500 tấn và khoảng 300.000-400.000 quả trứng mỗi ngày. Con số trên được đưa ra sau khi có sự rà soát nhu cầu tiêu dùng của người dân và khả năng đáp ứng của chuỗi cung ứng hàng hóa.
Trước tình trạng giá trứng gia cầm liên tục trong tình trạng cung không đủ cầu, giá bán tăng cao, Bộ NN&PTNT vừa có văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề thu mua trứng gia cầm trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, tổ công tác phía Nam của Bộ NN&PTNT đã làm việc với các địa phương và một số doanh nghiệp nhằm kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản, thực phẩm tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Trước đó, tổ công tác gửi văn bản tới các tỉnh, thành phố, trong đó có TP Hồ Chí Minh về danh sách và khả năng cung ứng số lượng lớn của 180 doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng hàng hóa, nông sản.
Theo khảo sát của Bộ NN&PTNT tại các trang trại ở Bình Dương, Long An, Đồng Nai, giá trứng gà dao động 2.000-2.800 đồng/quả; trứng vịt khoảng 3.000-3.500 đồng/quả. Một số công ty áp dụng bình ổn giá trứng gà ở mức 2.800 đồng/quả, trứng vịt khoảng 3.300 đồng/quả. Còn tại cửa hàng tiện lợi, siêu thị trứng gà giá 3.200-4.000 đồng/quả, trứng vịt có giá 4.500-5.000 đồng/quả. Căn cứ bảng giá khảo sát, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị tổ chức thu mua, cung ứng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân thành phố.
Nguyên nhân khiến giá trứng gia cầm tăng trong vòng một tháng trở lại đây được các chủ trại nuôi chia sẻ là do trứng là mặt hàng không thể tích trữ lâu được, trong khi đó, hiện đàn gia cầm đang bị dịch bệnh khiến năng suất giảm. Mặt khác, thời gian trước đó, nhiều người nuôi ồ ạt, giá trứng xuống thấp xuống còn 900 đồng/quả, nên nhiều hộ bỏ nuôi. Một nguyên nhân khác nữa, được các chủ trang trại gia cầm chia sẻ là do thức ăn chăn nuôi tăng cao, nên người nuôi không có lãi do đó, nhiều hộ chuyển sang nuôi lợn. Hiện, công suất nuôi gà, vịt đẻ trứng chỉ khoảng 60-70%. Tuy nhiên, nhiều trang trại chăn nuôi cho biết, hiện đang tăng cường liên kết, nuôi gà, vịt trở lại để bù đắp nguồn cung trứng đang bị thiếu hụt. Dự báo, trong thời gian tới, giá trứng sẽ ổn định trở lại.
Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội- cho biết, một số mặt hàng như trứng gia cầm có tăng nhẹ, do nguồn cung sản xuất ở khu vực phía Bắc đang san sẻ hàng cho phía Nam. Tuy nhiên, tình hình không đáng lo ngại. Quan trọng nhất, ở Hà Nội đã chủ động, sẵn sàng nguồn cung của các hệ thống hệ thống phân phối từ nhiều tháng nay. Khi có biến động, Hà Nội vẫn đáp ứng được đầy đủ nhu cầu cho người dân. Hiện hàng hoá rất dồi dào, các hệ thống phân phối đều tăng lượng hàng và nhân lực phục vụ nhu cầu người dân. Người dân cũng rất bình tĩnh trong việc đi mua hàng, không có chuyện đổ xô đi mua tích trữ, gom hàng.