Giá xuất khẩu cà phê được dự báo sẽ tăng đến tháng 4/2024 Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê chủ động đáp ứng quy định của thị trường EU |
Theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch 4 - 10/12, hai mặt hàng cà phê cũng giảm lần lượt 3,91% với Arabica và 0,08% với Robusta. Dữ liệu tồn kho hồi phục sau tuần giảm sâu cùng với triển vọng tích cực về nguồn cung cà phê vụ mới tại Brazil là hai nguyên nhân quan trọng khiến giá quay đầu.
Giá xuất khẩu cà phê quay đầu giảm trong tuần vừa qua |
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở Giao dịch Liên lục địa châu Âu (ICE-US) trong tuần qua đã tăng 10.633 bao loại 60kg, đưa tổng số cà phê đã chứng nhận lên mức 234.699 bao, tạm thoát khỏi mức thấp nhất trong hơn 24 năm xác nhận vào tuần trước.
Tổ chức cà phê thế giới (ICO) dự báo cán cân cung - cầu cà phê niên vụ 2023/24 sẽ thặng dư khoảng 1 triệu bao, thay vì mức thâm hụt gần 5 triệu bao như trong niên vụ vừa qua. Sản lượng gia tăng tại Brazil và một số quốc gia sản xuất lớn khác là nguyên nhân cho dự kiến thặng dư hiện tại. Trong tháng 11, quốc gia này đã xuất hơn 234.700 tấn cà phê, cao hơn 8% so với cùng kỳ năm 2022.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (11/12), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ dao động trong khoảng 60.400 - 60.600 đồng/kg, đi ngang so với ngày hôm trước.
Ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng Giám đốc MXV nhận định, những tháng đầu năm 2024, nguồn cung cà phê Robusta của Việt Nam có thể sẽ chiếm lĩnh thị phần trên thị trường toàn cầu. Với lượng cà phê sẵn có nhờ hoạt động thu hoạch, dự kiến giá cà phê sẽ có nhịp giảm trong ngắn hạn. Dù vậy, mức điều chỉnh sẽ tương đối nhẹ nhàng và giá có thể neo trên 2.300 USD/tấn.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam vẫn đang giữ đà tăng |
Thực tế, xuất khẩu cà phê Việt Nam vẫn đang tiếp tục xu hướng tích cực. Đối với xuất khẩu cà phê, theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê cả nước tính đến hết tháng 11 đã đạt khoảng 3,5 tỷ USD. Trong bối cảnh thế giới khan hiếm nguồn cung, đẩy giá lên cao, Việt Nam lại đang bước vào chính vụ thu hoạch, ngành cà phê kỳ vọng sẽ có mùa kinh doanh sôi động cuối năm. Tính đến nay, doanh nghiệp này đã xuất khẩu khoảng 150.000 tấn cà phê các loại, trong đó chủ yếu là cà phê thô.
Kim ngạch xuất khẩu cũng tăng trưởng khá so với cùng kỳ, nhờ giá cà phê tăng mạnh, từ mức 1.000 USD/tấn của vài năm trước, đến nay đã tăng lên gấp 3 lần. Đây là thành quả của việc nâng cao nchất lượng sản phẩm nhờ thay đổi tư duy từ sản xuất của nông dân đến chế biến của doanh nghiệp.
11 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê cả nước đạt khoảng 3,5 tỷ USD. Hoạt động thương mại sẽ tiếp tục sôi động trong những tháng cuối năm, khi Việt Nam vào cao điểm thu hoạch niên vụ mới. Điều đáng chú ý, giá cà phê xuất khẩu tháng 10 tiếp tục thiết lập mức kỷ lục mới là trên 3.600 USD 1 tấn, tăng gần 9% so với tháng 9 và tăng 40,7% so với cùng kỳ. Đây sẽ là động lực thúc đẩy doanh nghiệp tiếp tục tận dụng cơ hội để gia tăng xuất khẩu.
Về thị trường, tháng 10/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Mỹ đạt xấp xỉ 1.760 tấn, giá trị khoảng 6,31 triệu USD, tăng 11,2% về lượng và tăng 22,2% về giá trị so với tháng trước, nhưng giảm mạnh 78,8% về lượng và giảm 69,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu gần 93.840 tấn cà phê sang Mỹ, thu về 225 triệu USD, giảm 3,5% về lượng và giảm 4,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, trong tháng 10/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Mỹ ghi nhận mức cao kỷ lục 3.586 USD/tấn, tăng 9,9% so với tháng 9/2023 và tăng 45,1% so với tháng 10/2022.
Tuy nhiên, ngành cà phê cũng đứng trước nhiều thách thức, như biến đổi khí hậu khiến sản lượng giảm, lợi nhuận của nông dân bấp bênh, diện tích cà phê nước ta đang có xu hướng thu hẹp; tỷ lệ cà phê chế biến có tăng nhưng chậm.
Chưa kể, từ đầu năm 2025, các doanh nghiệp cà phê Việt Nam cũng phải chủ động đáp ứng yêu cầu mới nhất của thị trường châu Âu kiên quyết không nhập khẩu cà phê trồng trên diện tích rừng bị phá hoặc gây suy thoái rừng. Cùng với sự biến động mạnh mẽ trong thương mại, xu hướng sản xuất bền vững, vấn đề chất lượng, ngành cà phê trong nước phải nỗ lực thích ứng để duy trì vị thế xuất khẩu thứ 2 toàn cầu.