Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá xuất khẩu cà phê tăng vọt Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh 52% |
Theo ghi nhận của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), ngày 12/9, giá cà phê Robusta trên sàn London tăng phiên thứ ba liên tiếp, đưa giá giao dịch vượt 5.000 USD/tấn. Trong khi giá cà phê Arabica giảm nhẹ 0,2% so với tham chiếu. Dữ liệu xuất khẩu cà phê kỷ lục tại Brazil bước đầu gây áp lực lên giá cà phê Arabica trong khi tình trạng khan hiếm cà phê cuối vụ tại Việt Nam lại hỗ trợ giá cà phê Robusta.
Hiệp hội Những nhà xuất khẩu cà phê Brazil (CECAFE) cho biết, quốc gia này đã xuất đi 3,73 triệu bao cà phê trong tháng 8, tăng 0,7% so với tháng 8/2023 và là lượng cà phê xuất khẩu theo tháng lớn nhất so với cùng kỳ các năm trong lịch sử. Trong hai tháng đầu năm thu hoạch niên vụ 24/25, Brazil xuất khẩu ra nước ngoài 7,5 triệu bao, tăng 11,8% so với cùng kỳ vụ 23/24.
Trước đó, kết quả thống kê tháng 8 của Bộ Phát triển, Công nghiệp, Thương mại và Dịch vụ (MDIC) cũng cho thấy, Brazil đã xuất khẩu khoảng 3,8 triệu bao cà phê loại 60kg vào tháng 8/2024, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới đã xuất đi 32,1 triệu bao cà phê loại 60kg, tăng 40,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhu cầu tăng cao từ các quốc gia nhập khẩu trong khi nguồn cung có sẵn ngay sau thu hoạch đã tạo điều kiện thuận lợi cho quốc gia Nam Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong khi đó, tại Việt Nam - quốc gia cung ứng cà phê Robusta lớn nhất thế giới, nguồn cung khan hiếm do vào cuối vụ nên khối lượng xuất thấp. Theo ước tính từ Tổng cục Thống kê (GSO), trong tháng 8, nước ta xuất khoảng 73.000 tấn cà phê, giảm 14,1% so với tháng 8/2023. Tính chung 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 1,05 triệu tấn cà phê, trị giá 3,99 tỷ USD (giảm 12,5% về lượng nhưng tăng 34,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023).
Nguồn cung tại Việt Nam khan hiếm, giá cà phê xuất khẩu vượt đỉnh. Ảnh minh họa |
Giá cà phê xuất khẩu trung bình trong tháng 8/2024 đạt 5.260 USD/tấn (cao hơn 2.211 USD/tấn so với đầu năm 2024; cao hơn 2.206 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2023).
Tính chung 8 tháng năm 2024, giá cà phê xuất khẩu trung bình đạt 3.795 USD/tấn (cao hơn 1.332 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2023).
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, giá cà phê Robusta và Arabica trên các sàn giao dịch tăng mạnh, liên tục ghi nhận mức cao kỷ lục trong nhiều năm do thời tiết tại Brazil và Việt Nam không thuận lợi, ảnh hưởng đến nguồn cung toàn cầu.
Bên cạnh đó, cả 3 thành phần quan trọng về đầu cơ trên thị trường (Quỹ đầu cơ phi thương mại, các công ty Quản lý quỹ và các Quỹ chỉ số của thị trường) đều tăng vị thế mua ròng khiến giá tăng mạnh. Trong khi, lượng cà phê Arabica tồn kho đã qua phân loại, được nắm giữ trên thị trường New York đến ngày 27/8/2024 giảm 420 bao, xuống còn 843.725 bao.
Dự báo, giá cà phê sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong tháng tới do nguồn cung giảm, nhu cầu tăng. Sản lượng cà phê niên vụ 2024/25 tại Việt Nam dự kiến giảm mạnh, về mức thấp nhất 13 năm. Trong khi đó, thị trường tiêu dùng cà phê chính thống ở Bắc bán cầu đang dần trở lại sau kỳ nghỉ hè, sẽ góp phần thúc đẩy một số hoạt động giao dịch cà phê thực trong những tháng tới trước thời điểm rang cà phê mùa Đông ở châu Âu và Hoa Kỳ.
Cục Xuất nhập khẩu ước tính, tháng 8/2024, Việt Nam xuất khẩu cà phê 80 nghìn tấn, trị giá 423 triệu USD, tăng 3,9% về lượng và tăng 11,1% về trị giá so với tháng 7/2024; so với tháng 8/2023 giảm 5,4% về lượng, nhưng tăng 64% về trị giá. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu cà phê đạt 1,06 triệu tấn, trị giá 4,03 tỷ USD, giảm 11,9% về lượng, nhưng tăng 36,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Lượng cà phê xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước do nguồn cung ở mức thấp.
Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết, trong tháng 8/2024, giá bình quân xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt mức 5.293 USD/tấn, tăng 6,9% so với tháng 7/2024 và tăng 73,4% so với tháng 8/2023. Tính chung 8 tháng đầu năm 2024, giá bình quân xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt mức 3.805 USD/tấn, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm ngoái.