Một nghiên cứu gần đây của Công ty Đo lường toàn cầu Nielsen chỉ rõ, sau dịch Covid-19, có 76% người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng nội địa, đặc biệt là những sản phẩm đã có thương hiệu, bảo đảm chất lượng và tốt cho sức khỏe.
Có được điều đó một phần nguyên nhân là do hàng Việt Nam ngày càng nâng cao sức cạnh tranh nhờ chất lượng vượt trội và giá hợp lý. Nhờ đó, tỷ lệ hàng hóa Việt Nam tại hệ thống phân phối đã và đang ngày càng tăng lên.
Hàng Việt chiếm tỷ lệ cao trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước |
Theo thống kê từ Bộ Công Thương, đến nay, hàng Việt đã chiếm tỷ lệ cao (trên 90%) trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước; tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam, tỷ lệ này chiếm từ 60 - 96%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên. Hàng Việt từ lâu đã len lỏi đến từng ngõ ngách, thôn, bản, làng xã và các gia đình người Việt. Từ sự thân quen, gần gũi đã trở thành niềm tin, không ít người tiêu dùng đã chọn hàng Việt Nam là số 1 trong giỏ hàng hóa mua sắm của cá nhân và gia đình.
Về phía doanh nghiệp, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã dần làm thay đổi nhận thức, tâm lý của các doanh nghiệp cung ứng cũng như người tiêu dùng về hàng xuất xứ trong nước và quyết định lựa chọn. Hàng Việt ngày càng chiếm được niềm tin của khách hàng do có nguồn gốc, nhãn hiệu rõ ràng và chất lượng không kém hàng ngoại.
Hơn nữa, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa ưu tiên hàng trong nước, việc vận động ủng hộ hàng cứu trợ những nơi bị phong tỏa, cách ly cũng được sử dụng hàng Việt, với mong muốn hỗ trợ cộng đồng các doanh nghiệp, đồng thời gắn trách nhiệm của đơn vị sản xuất với sức khỏe người tiêu dùng. Cùng với đó, việc giúp đỡ tiêu thụ hàng hóa, nhất là nông sản của địa phương, lan tỏa rộng khắp khiến người tiêu dùng quan tâm sử dụng hàng Việt nhiều hơn.
Trong năm 2022, với vai trò trọng trách được giao, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết, nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Từ đó, tạo chuyển biến về ý thức trong nhân dân, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, tổ chức kinh tế - xã hội, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam có chất lượng.
Đồng thời, tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử trong các hoạt động mua sắm hàng Việt Nam theo hình thức phù hợp với tình hình mới, nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam tới các đối tác, doanh nghiệp trong và nước ngoài.
Đặc biệt, tổ chức thực hiện Chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” năm 2022, nhằm tăng vị thế của hàng Việt Nam, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới...
Năm 2022, tập trung tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của bộ, ngành, địa phương; tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường; nâng cao hiệu quả công tác giám sát, khảo sát; xử lý nghiêm hành vi gian lận thương mại, vận chuyển, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng. |