Tuần trước, chị Kim Trinh (quận 7) chi 2,4 triệu đồng để mua con heo mọi 30 kg do bạn nuôi tại Thủ Đức (TP HCM). Chị bảo heo nuôi hơn 5 tháng, mỡ nhiều nhưng thịt ngọt, ăn an tâm. "Con heo tính ra một phần ba là mỡ. Trong khi đó, ra ngoài mua thì kiếm thịt có mỡ rất khó, chứng tỏ heo bị cho ăn chất tạo nạc quá nhiều", chị Trinh chia sẻ kinh nghiệm.
Quầy rau sạch Trà Vinh trong một phiên chợ thực phẩm an toàn diễn ra vào tháng 2/2018 tại TP HCM |
Ở đầu kia Sài Gòn, chị Hồ Hiệp (quận 12) vừa đưa một cửa hàng thực phẩm tươi sống tự giới thiệu là an toàn, vào diện nghi vấn. "Sáng đưa con đi học thấy ông bảo vệ cửa hàng gần nhà ngồi nhặt đống rau trước khi cho vào túi, trông cứ như mua rau chợ về đóng gói. Mình không biết thực hư nhưng từ đó thấy ngại", chị kể lại.
Cũng để giải tỏa lo lắng an toàn thực phẩm, chị Mai Ngọc (Bình Thạnh) chọn giải pháp nhờ người thân gửi đồ ăn sơ chế từ Vĩnh Long lên mỗi cuối tuần. Chị bảo không thể chắc chắn 100% sạch nhưng vẫn hơn. "Rau vườn, gà vườn nói chung ổn còn cá đồng cũng chỉ an tâm hơn được tý thôi. Thịt nó ngon nhưng giờ nó bơi lội ở ao hồ sông suối có ô nhiễm không thì ai biết", chị suy luận và cho biết nếu mua ở Sài Gòn thì vào các cửa hàng hữu cơ hay đi dự các phiên chợ thực phẩm sạch.
Không phải ai cũng cầu kỳ chuyện ăn uống như chị Trinh hay chị Ngọc. Nhưng quan tâm mạnh đến an toàn thực phẩm đang là xu hướng chung của người tiêu dùng, đặc biệt là ở thành thị. Ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM cho biết, 10 chợ phiên thực phẩm an toàn tại thành phố năm 2018 mang về doanh thu tích cực, với khoảng 200 tỷ đồng. Tiêu chí để hàng được vào chợ là đạt chuẩn VietGap hoặc có tham gia trong chuỗi an toàn thực phẩm của Thành phố.
"Người tiêu dùng nội địa đang ngày càng thông thái hơn", bà Vũ Thanh Hoa - Phó trưởng phòng Chất lượng nông sản (Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản - Bộ NN&PTNN) nhận định tại "Diễn đàn kết nối cung - cầu nông sản thực phẩm chất lượng cao" vừa diễn ra tại TP HCM.
Theo nghiên cứu của Kantar Worldpanel Việt Nam, một gia đình thành thị chi trung bình 1,1 triệu đồng mỗi tháng cho thực phẩm tươi sống. Bốn mặt hàng được mua nhiều nhất là trái cây, thịt heo, cá và hải sản. Trừ thịt heo thì xu hướng chi tiêu cho 3 món còn lại đang tăng. Ông Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc thương mại của hãng nghiên cứu này cho biết, cứ nghe sản phẩm hữu cơ là người tiêu dùng đón nhận rất hồ hởi.
Hiện nay, hệ thống bán lẻ Việt Nam có 35% là kênh hiện đại và 65% là kênh chợ truyền thống. Trong khi đó, 85% chi tiêu cho thực phẩm tươi sống đang diễn ra ở chợ truyền thống. Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nói mô hình chợ an toàn thực phẩm đang được đẩy mạnh. Tuy nhiên, bà và các chuyên gia cũng đồng thuận rằng, đưa nông sản chất lượng cao vào kênh hiện đại cũng cần quan tâm vì xu hướng mua sắm ở kênh này đang tăng.
Khách hàng chọn lựa khoai lang trong một siêu thị tại quận 7, TP HCM |
Ngoài ra, để người tiêu dùng không phải công phu "săn tìm" thịt rau sạch, sản lượng canh tác, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn (GAP, GMP, HACCP) phải được mở rộng. Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, trong một khảo sát tại tỉnh có nền nông nghiệp năng động là Đồng Tháp hồi tháng 8/2018, chỉ có 18% hợp tác xã được hỏi có được chứng nhận VietGap.
Ông Nguyễn Huy Hoàng đưa ra 4 bước để nhà nông và người tiêu dùng không phải vất vả tìm kiếm nhau. Bước một, nghiên cứu nhu cầu các loại thực phẩm được ưa chuộng. Bước hai, dùng công nghệ mới và xây dựng vùng nguyên liệu sản phẩm đó. Bước ba, đưa hàng vào các kênh phân phối, đặc biệt là kênh hiện đại. Và bước bốn, điều tra phản ứng thị trường để tiếp tục cải thiện sản phẩm.
"Với 4 bước này, chúng ta sẽ khai phá được thị trường nông sản thực phẩm chất lượng cao. Thị trường này còn rất màu mỡ và tiềm năng nhưng với điều kiện chúng ta phải hiểu được nó", ông nói.