Tăng cường dự báo để chủ động trước diễn biến cung - cầu lao động “Cùng nhau làm nên Tết”: Trao tặng 8.000 phần quà Tết cho người lao động tại 11 tỉnh/thành |
Theo thông tin từ Sở Sở Lao Động và Thương Binh Xã Hội tỉnh Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp tại địa phương có kế hoạch cho người lao động nghỉ Tết âm lịch Quý Mão 2023 dài ngày hơn so với những năm trước do Đồng Nai đã có 100 doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng (sút giảm 20-30% và chưa có tín hiệu khả quan trong năm 2023), phải sắp xếp lại lao động khiến cho khoảng 200.000 công nhân lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập. Trong đó, đã có khoảng 20.000 công nhân bị cắt giảm việc làm. Các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiếu đơn hàng chủ yếu ở ngành chế biến gỗ xuất khẩu, may mặc, giày da…
Tỉnh Đồng Nai có khoảng 1,2 triệu lao động, trong đó có khoảng 700.000 người lao động làm việc tại các doanh nghiệp cả trong và ngoài các khu công nghiệp (Đồng Nai có 31 Khu công nghiệp đang hoạt động). Và khoảng 50% trong số này là công nhân lao động nhập cư. Các giải pháp nghỉ cắt giảm lao động được các doanh nghiệp áp dụng như: Lên kế hoạch cho công nhân nghỉ hằng năm, thỏa thuận với người lao động cắt giảm giờ làm, trả lương ngừng việc...
Nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch cho công nhân nghỉ Tết dài ngày, có công ty còn cho công nhân nghỉ Tết khoảng 1 tháng (ví dụ như Công ty TNHH Sản xuất đồ mộc Chien, Công ty TNHH Gỗ Lee Fu, ở Khu Công nghiệp Tam Phước, TP. Biên Hòa). Công ty Cổ phần TKG Taekwang Vina (thành phố Biên Hòa) có khoảng 35.000 lao động, chuyên gia công giày cho tập đoàn Nike, để giữ chân, giữ việc làm cho người lao động ổn định, mỗi tháng doanh nghiệp này phải chấp nhận giảm bớt 2-3 ngày làm việc của người lao động /tháng, trong đó sẽ có 1 ngày nghỉ phép năm, những ngày còn lại doanh nghiệp sẽ trả lương tối thiểu vùng cho người lao động. Đồng thời, một số doanh nghiệp đã hỗ trợ xe đưa rước công nhân về các tỉnh miền Trung, miền Bắc.
Đại diện một số doanh nghiệp cho biết: “Nhà máy đang sản xuất cầm chừng, đơn hàng sụt giảm mạnh, công nhân phải nghỉ vào thứ 7, đời sống tất khó khăn và mong cơ quan chức năng sớm có phương án hỗ trợ”. Trước đó liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cũng đã tổ chức hội nghị giao ban các doanh nghiệ ngành dệt may, da giày và cho biết nhiều doanh nghiệp có sô lượng công nhân lớn có dự tính kéo dài kỳ nghỉ Tết cho công nhân từ 10-15 ngày.
Công nhân công ty gỗ ở Đồng Nai (Minh họa) |
Ông Cao Duy Thái - Trưởng Phòng Chính sách lao động - Sở Lao động, Thương binh Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết thêm: Năm 2021 là năm khó khăn của doanh nghiệp do thiếu lao động vì dịch COVID-19, phần lớn người lao động bị cách ly phong toả không đến nhà máy làm việc được. Đến năm 2022 dịch bệnh được kiểm soát, người lao động nhiều nhưng lại thiếu đơn hàng để sản xuất, tình hình chung doanh nghiệp và người lao động gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp vẫn xây dựng phương án duy trì lao động càng lâu càng tốt bằng các giải pháp như: Sắp xếp cho người lao động nghỉ phép năm, thoả thuận với người lao động tạm hoãn hợp đồng, thoả thuận với người lao động về việc nghỉ việc không hưởng lương… Đây là các biện pháp tuỳ vào tình hình của doanh nghiệp để cùng với Ban chấp hành Công đoàn thương lượng với người lao động. Nếu người lao động có thể chia sẻ với doanh nghiệp, muốn về quê thời gian dài có thể thoả thuận tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không hưởng lương.
Thất nghiệp và bão giá khi Tết đang cận kề, hàng trăm nghìn công nhân đối mặt với nhiều khó khăn. Hơn lúc nào hết, họ đang rất mong nhận được hỗ trợ kịp thời từ các cấp để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này.