Đà Nẵng khẩn trương làm rõ nguyên nhân nước biển gây ngứa nổi dị ứng đốm đỏ |
Những triệu chứng khi bị dị ứng thời tiết
Theo giới chuyên gia, người bị bệnh dị ứng thời tiết liên quan đến hệ miễn dịch của cơ thể.
Người bị dị ứng thời tiết liên quan đến hệ miễn dịch của cơ thể |
Trong Tây y, khi thời tiết thay đổi, cơ thể phản ứng bằng cách giải phóng ra hàng loạt các hoạt chất trung gian histamin tập trung ở dưới da, đặc biệt những vùng da hở. Đây chính là nguyên nhân gây ra các nốt dị ứng nổi mề đay mẩn ngứa.
Còn trong Đông y, khi cơ thể bị dị ứng là lúc chức năng tạng phủ trong cơ thể không khỏe, đặc biệt chức năng gan, thận và hệ miễn dịch. Khi ba chức năng này suy yếu, cơ thể dễ bị dị ứng gây ngứa.
Hầu hết dị ứng thời tiết đều gây ra tình trạng tổn thương ngoài da. Những biểu hiện lâm sàng rõ nét nhất là: Da bị mẩn đỏ, đa dạng kích thước. Nhiều trường hợp chỉ là các vết mẩn bằng phẳng, nhưng cũng có trường hợp các vết mẩn nổi cộm hơn hẳn so với mặt bằng da. Song cũng có trường hợp không ngứa, nhưng người bệnh cảm thấy khó chịu vì đau rát.
Dị ứng thời tiết gây ra nhiều khó chịu cho người mắc phải như ngứa châm chích hoặc nóng rát. Nếu càng gãi mạnh, tình trạng sẽ lan rộng hơn, sưng to hơn; thậm chí có trường hợp đi kèm thêm một số triệu chứng khác liên quan tới hệ hô hấp và hệ tiêu hóa để lại ảnh hưởng nặng nề hơn cho người mắc phải như: Viêm mũi dị ứng, chàm bội nhiễm, ho, khó thở…
Cách phòng ngừa và điều trị bệnh
Hầu hết các trường hợp bị nổi mề đay, mẩn đỏ do dị ứng thời tiết đều khá nhẹ nhàng. Do vậy, có thể tự điều trị tại nhà bằng việc bổ sung nguồn vitamin C tự nhiên, chúng xuất phát từ các loại trái cây và rau củ như súp lơ xanh, táo, cam, ớt chuông hoặc bưởi... Bởi vitamin C có tác dụng hạn chế những phản ứng miễn dịch gây ra bởi histamin.
Người bị dị ứng do yếu tố thời tiết cũng có thể uống một ly nước mật ong. Lý do, mật ong có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm và đặc biệt là cải thiện sức đề kháng cơ thể ở người; hạn chế sự tấn công của các yếu tố gây kích ứng trên da.
Đồng thời người bệnh cũng cần tránh hạn chế tiếp xúc với các tác nhân như phấn hoa, khói bụi, đồ uống có cồn, đặc biệt là khói thuốc lá có chứa nicotin... đây là những chất có thể khiến tình trạng dị ứng trở nên trầm trọng hơn.
Nếu sử dụng các biện pháp dân gian chữa trị ứng thời tiết mà không có hiệu quả thì cần tới các trung tâm y tế điều trị sức khỏe để có phác đồ điều trị kịp thời. Một số loại thuốc Tây y thường được bác sĩ kê đơn có thể khắc phục và cải thiện tình trạng dị ứng do thời tiết là: Thuốc kháng histamin như Loratadin, Cetirizine... Khi nhận thấy có dấu hiệu của mề đay và phù mạch, bác sĩ thường sẽ chỉ định thuốc điều trị là Prednisolone.
Trong trường hợp bệnh nhân có triệu chứng mề đay nặng sẽ sử dụng thuốc kháng thụ thể H2 (cimetidin) hoặc sử dụng kết hợp thuốc kháng histamin và doxepin. Muốn hạn chế các triệu chứng kéo dài của bệnh, hoặc phòng ngừa bệnh, nên sử dụng thuốc Corticoid.
BS. Đặng Xuân Thắng - Trường đại học Y Dược, Đại học Duy Tân Đà Nẵng - lưu ý: Người bệnh cần hạn chế làm việc lâu dưới ánh nắng mặt trời gay gắt hoặc trong thời tiết giá lạnh; tránh những nơi đông người, không khí ngột ngạt. Người mắc dị ứng cũng cần tắm nước ấm/nước mát. Tắm nước ấm được áp dụng trong trường hợp dị ứng thời tiết lạnh và ngược lại. Biện pháp này giúp điều hòa thân nhiệt, giảm mức độ ngứa ngáy và tiêu các mẩn đỏ, phát ban do dị ứng thời tiết gây ra.
Những thói quen cần thay đổi
Bên cạnh phương pháp điều trị dị ứng thời tiết bằng các loại thuốc, việc thay đổi lối sống, chế độ sinh hoạt cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị hiệu quả căn bệnh này.
Những thói quen cần duy trì bao gồm: Uống nhiều nước ép trái cây để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể nhằm chống lại những tác nhân gây dị ứng từ môi trường bên ngoài. Ăn nhiều rau củ quả, trái cây có chứa nhiều vitamin C, uống nhiều nước để điều hòa cơ thể. Có thể sử dụng thêm những thuốc bổ chứa vitamin B1, B6, B12. Hạn chế ăn những loại thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, nhộng, đậu phộng.
Bệnh dị ứng thời tiết không thể chữa trị dứt điểm vì liên quan tới cơ địa và hệ miễn dịch của từng người. Do đó, người bị dị ứng thời tiết cần tránh các tác nhân gây dị ứng, tốt nhất là hạn chế tiếp xúc với khói bụi, phấn hoa, động vật nuôi, tuyệt đối không hút thuốc lá hoặc đồ uống có cồn để tránh kích thích tình trạng dị ứng trở nên trầm trọng.
Giữ cho cơ thể ở nhiệt độ ổn định để tránh khỏi tình trạng thay đổi nhiệt độ đột ngột. Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, hợp lý để tăng cường sức đề kháng.
Khi da có dấu hiệu dị ứng sẩn ngứa cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ những nơi bị dị ứng; tránh gãi hoặc ma sát mạnh trên da vì dễ dẫn đến nhiễm trùng hoặc viêm da. Đối với những bệnh nhân có triệu chứng của viêm mũi xoang dị ứng, cần đeo khẩu trang khi ra đường và hạn chế tiếp xúc với những loại động vật.