Giá đỗ - thực phẩm tốt cho người bệnh tiểu đường Công dụng kỳ diệu của củ gừng, đặc biệt với người mắc bệnh tiểu đường |
Tuy nhiên, lượng ăn bao nhiêu thì đủ là vấn đề nhiều người quan tâm.
Giá trị dinh dưỡng của gạo nếp đối với người bệnh tiểu đường
Các chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra, tuỳ thuộc vào chủng loại mà gạo nếp sẽ có chỉ số đường huyết GI khác nhau: Gạo nếp cái hoa vàng có chỉ số GI > 73; gạo nếp ngỗng chỉ số GI ở mức trung bình, thấp hơn gạo nếp cái hoa vàng; gạo nếp cẩm chỉ số GI thấp nhất khoảng 42,3.
Người bị bệnh tiểu đường nên hạn chế các món xôi có nhiều mỡ động vật |
Tuy nhiên, so với các loại gạo khác, gạo nếp có chỉ số GI khá cao, khiến lượng đường trong máu của người ăn tăng cao đột ngột, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bệnh tiểu đường và tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng về lâu dài. Do đó, chuyên gia khuyến cáo người bệnh tiểu đường không nên ăn nhiều xôi nếp.
Mặc dù vậy, người bệnh tiểu đường không nhất thiết phải loại bỏ hoàn toàn đồ nếp. Căn cứ vào tình trạng bệnh có thể ăn một chút, nhưng nên chia nhỏ ra ăn, không ăn dồn bữa và ăn kèm cùng rau xanh, salad để giảm hấp thụ đường.
Khi ăn thực phẩm chế biến từ gạo nếp, nên kiểm tra chỉ số đường huyết trong máu. Cụ thể, 2 tiếng sau khi ăn, nếu lượng đường trong máu lớn hơn 10mmol/l với người bệnh đang chữa trị bằng insulin và 7.8 mmol/l với người tiểu đường dùng thuốc thì nên hạn chế, giảm bớt khẩu phần ăn đồ nếp ở những lần sau.
Người bệnh tiểu đường đang trong giai đoạn giảm cân không nên ăn xôi. Những người có tiền sử bệnh đau dạ dày, đầy hơi, ăn không tiêu… cũng cần ăn hạn chế.
Theo khuyến cáo, người bệnh tiểu đường chỉ nên dùng từ 45-60g carbohydrate mỗi bữa ăn (tương đương ít hơn 200g gạo nếp) mỗi bữa, không ăn quá 2 lần/ tuần và nên ăn kèm cùng các loại thực phẩm khác như rau xanh, trái cây, sữa... Người bệnh có thể sử dụng phương pháp đĩa thức ăn để cân đối khẩu phần với tỷ lệ 1/2 rau, 1/4 tinh bột (cơm, bún, bánh mì) và 1/4 thực phẩm đạm (thịt, cá, trứng, hải sản...). Ngoài ra, có thể ăn thêm 1 phần nhỏ tráng miệng từ trái cây như chuối, quýt, cam hoặc 4-5 quả nho.
Lưu ý thời điểm ăn
Bệnh nhân nên ăn các thực phẩm chế biến bằng gạo nếp vào bữa trưa hoặc khi tụt đường huyết để đảm bảo duy trì nồng độ đường trong máu luôn ổn định. Nên hạn chế ăn vào buổi sáng, do sau thời gian dài cơ thể không được tiếp nhận thức ăn nên ăn đồ ăn vào thời gian này, đặc biệt với các món xôi sẽ khiến người bệnh tăng đường huyết đột ngột.
Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu ý: Ăn xôi có ít dầu mỡ và không nên ăn xôi có mỡ động vật như mỡ gà, mỡ lợn. Các loại mỡ này rất giàu cholesterol nên dễ gây tăng cân và làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch ở người bệnh tiểu đường.
Đối với bánh chưng, do được luộc trong thời gian lâu để bánh được rền, dẻo ngon, nhưng chính cách chế biến này khiến cho tinh bột càng được nấu chín khi luộc thì khả năng hấp thu đường càng nhanh. Nhân bánh chưng có đậu xanh và thịt ba chỉ có lẫn mỡ lại là món ăn người bệnh đái tháo đường cần hạn chế. Vì thế, người bệnh đái tháo đường chỉ nên ăn một chút, cân đối tinh bột và các chất dinh dưỡng khác.
Những người tiểu đường bị béo phì, có biến chứng thận, hoặc đái tháo đường kèm tăng huyết áp và biến chứng tim mạch thì càng phải hạn chế ăn bánh chưng, nên ăn càng ít càng tốt.
Một số thực phẩm người bệnh tiểu đường cần hạn chế
Thực tế có một số món ăn chế biến từ gạo có chỉ số đường huyết còn cao hơn cả gạo nếp, người bệnh cần chú ý, đó là: Thực phẩm được chế biến từ bột, bất cứ món ăn nào được chế biến từ bột đều làm tăng đường huyết đáng kể. Nhóm thực phẩm này bao gồm bánh, mì, bánh mì, mì gói…
Các loại khoai cũng chứa nhiều tinh bột, mặc dù trong một số loại khoai chứa nhiều chất xơ, tuy nhiên nếu ăn nhiều chúng làm gia tăng đường huyết rất nhanh, như khoai tây, khoai lang, khoai mì…; trong đó, khoai tây là thủ phạm gây béo phì và tăng đường huyết thường gặp.
Trái cây: Mặc dù trái cây cung cấp nhiều vitamin, chất xơ có lợi cho sức khỏe, nhưng trong trái cây chứa nhiều dạng đường; đường saccharose, sucrose, fructose, maltose… Khi ăn quá nhiều trái cây, đặc biệt là bệnh nhân đái tháo đường, các loại đường trên sẽ chuyển hóa thành đường glucose trong máu.
Trong sữa có đường dưới dạng galactose, là đường có trong sữa mẹ, do đó ngay cả trong sữa tươi không đường cũng đã có thành phần này rồi, do vậy khi uống nhiều sữa sẽ làm tăng đường trong máu.
Theo bác sĩ Lê Duy Đông - Bệnh viện Đa khoa Hà Thành, một nhầm lẫn mà nhiều bệnh nhân bị bệnh tiểu đường hay mắc phải đó là uống nhiều sữa dành cho bệnh nhân tiểu đường, vì nghĩ rằng sữa này không làm tăng đường huyết. Đây là một sai lầm, người bệnh tiểu đường cần phải hiểu sữa tiểu đường là bữa ăn thay thế.
Mỗi ly sữa dành cho bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường đã được tính toán về thành phần để đủ cung cấp năng lượng thay thế cho một bữa ăn. Do vậy khi uống 1 ly sữa, bệnh nhân phải bỏ bữa ăn tương ứng. |