![]() |
Công nghệ sinh học vào nông nghiệp đang được ứng dụng nhanh trong thời gian gần đây |
Cây trồng áp dụng công nghệ sinh học hay còn gọi là cây trồng biến đổi gen đầu tiên được thương mại hóa vào năm 1996. Diện tích cây trồng công nghệ sinh học gia tăng nhanh, từ 1,7 triệu ha vào năm 1996 tăng lên 179,7 triệu ha năm 2015, điều này cho thấy, công nghệ sinh học trở thành công nghệ cây trồng được ứng dụng nhanh nhất trong thời gian gần đây.
Trong 20 năm từ 1996 – 2015, tác động toàn cầu của cây trồng công nghệ sinh học đã giúp tăng năng suất và lợi nhuận cho nông dân với thu nhập từ trang trại đạt 150 tỷ USD (1996-2014), trong đó, 35% có được do chi phí sản xuất thấp hơn và 65% có được do tăng sản lượng. Bên cạnh đó, có khoảng 18 triệu nông dân được hưởng lợi hàng năm, trong đó đáng lưu ý là có tới 90% là tiểu nông ở các vùng nghèo tài nguyên các nước đang phát triển.
Năm 2015, mặc dù diện tích cây trồng công nghệ sinh học toàn cầu giảm nhẹ khoảng 1% do hạn hán và sự sụt giảm về giá của một số loại cây trồng nhưng đây cũng là năm chứng kiến sự kiện loại cây trồng này được sử dụng lần đầu tiên tại Việt Nam. Hiện đã có 28 quốc gia trên thế giới áp dụng, trong đó 20 quốc gia là các nước đang phát triển.
Theo ông Trần Xuân Định - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), Việt Nam có những bước đi rất thận trọng trong việc đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất. Cho phép đưa vào thử nghiệm từ năm 2014, cây trồng biến đổi gen phải qua nhiều lần thẩm định: Đánh giá, kiểm tra về an toàn sinh học; đánh giá xem sản phẩm có an toàn để sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi không? Sau khi qua 2 khâu này, các doanh nghiệp phải trải qua khảo nghiệm diện hẹp, diện rộng rồi mới được phép thương mại hóa. Trong năm 2015, Bộ NN&PTNT đã công nhận 11 giống ngô biến đổi gen, trong đó có 8 giống của Dekalb và 3 giống của Syngenta.
Ông Định cũng lưu ý, việc đưa giống cây biến đổi gen vào ngoài việc chuyển giao công nghệ cũng phải tổ chức kinh doanh các “giống nền”, tức là giống không phải biến đổi gen để nông dân có thêm sự lựa chọn. “Giống ngô biến đổi gen mang lại hiệu quả cao về năng suất khi trồng ở những nơi nhiều sâu bệnh và cỏ dại nhiều, còn những vùng không có áp lực về sâu bệnh và cỏ dại, nông dân có thể lựa chọn giống không phải biến đổi gen”, ông Định nói.
GS.TS. Nguyễn Văn Tuất- Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - cho rằng, hiện nay, ngô biến đổi gen mới có hai tính trạng là kháng sâu đục bắp và thuốc trừ cỏ. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp như hiện nay, rất cần nghiên cứu những đặc tính gen chịu hạn, mặn. “Từ năm 2013 – 2015, diện tích ngô chịu hạn của thế giới đã tăng 15 lần. Điều đó cho thấy, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, chúng ta cũng cần tập trung nghiên cứu những giống cây trồng có khả năng này. Bộ NN&PTNT cũng đã chấp thuận một đề tài nghiên cứu lớn với kinh phí khoảng hơn 40 tỷ đồng nghiên cứu về các đặc tính gen chịu hạn, trong đó tập trung vào cây ngô”, ông Tuất nói.
GS.TS. Nguyễn Văn Tuất - Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam: Biến đổi khí hậu đã và đang tác động to lớn đến sản xuất nông nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ sinh học là một hướng để giải quyết các vấn đề cho sản xuất như giống chịu hạn, chịu mặn, kháng sâu, kháng thuốc trừ cỏ… góp phần bảo đảm an ninh lương thực của các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. |