Thống kê cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất xi măng nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, vị thế về sản lượng sẽ không có nhiều ý nghĩa đối với tăng trưởng kinh tế, nếu tăng sản lượng tỷ lệ nghịch với tăng giá trị, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Trước hết, cần phải nhìn nhận, xi măng là ngành có tác động rất lớn đến môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, việc định hướng phát triển ngành xi măng để bảo đảm phục vụ thị trường trong nước, nếu dư thừa thì tiến hành XK là điều cần thiết.
Khi tiêu thụ trong nước có vấn đề, cần xem xét XK ra nước ngoài. Đôi khi, có thể XK lỗ nhằm để có được nguồn ngoại tệ, nguồn tiền mặt để đáp ứng nhu cầu trong thời gian ngắn của ngành xi măng. Nhưng về lâu dài, chúng ta không chấp nhận việc giá xi măng XK thấp hơn so với giá bán trong nước và thấp hơn nhiều các nước trong khu vực, thấp hơn chi phí sản xuất. Đặc biệt, đây là ngành gây ô nhiễm môi trường, do đó, cần phải xem xét cẩn trọng hoạt động sản xuất này.
Xi măng Việt Nam XK với giá thấp, nguyên nhân được đưa ra là do chất lượng chưa tương xứng với các nước khác; sản phẩm của Tổng công ty Xi măng Việt Nam vẫn chiếm phần lớn thị trường và mức độ cạnh tranh trong thị trường xi măng còn hạn chế. Điều này có hay không, thưa ông?
Theo tôi, vấn đề này là có. Hiện nay, trong ngành xi măng Việt Nam có công nghệ sản xuất hiện đại, tương đối hiện đại và chỉ ở mức trung bình. Nhưng phần lớn DN sản xuất trong ngành xi măng của chúng ta đang có mức độ kỹ thuật ở mức trung bình thấp của thế giới. Đặc biệt, các DN vừa và nhỏ trình độ công nghệ sản xuất kém, gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Chính vì vậy, nhìn chung tổng thể toàn ngành xi măng Việt Nam, trình độ công nghệ không cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là điều đáng lo ngại.
Dù quy hoạch ngành đã được ban hành nhưng các nhà máy xi măng vẫn cứ mọc lên, gia tăng thêm nguồn cung sản phẩm. Điều này đặt ra bài toán quản lý trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
Việc quy hoạch ngành xi măng không phải bây giờ mới nói đến mà đã nói đến cách đây cả chục năm. Mặc dù có quy hoạch, nhưng quy hoạch tổng thể chi tiết và mang tính pháp lệnh thì dường như chúng ta đang thiếu.
Xuất khẩu xi măng duy trì đà tăng trưởng |
Đây cũng là nguyên nhân trong một số năm gần đây, ngành xi măng đã cấm nhập công nghệ lò đứng cũ, lạc hậu của một số quốc gia trên thế giới, nhưng chúng vẫn len lỏi, được xây dựng ở các địa phương cũng như một số khu vực miền núi - nơi có các núi đá vôi. Việc này gây lãng phí và nguy hiểm đối với môi trường sống của người dân Việt Nam.
Rõ ràng, việc đầu tiên phải làm trong thời gian tới đây là có bản quy hoạch cụ thể, lộ trình thực hiện nghiêm ngặt với ngành xi măng. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý phải nâng cao năng lực, kiểm tra, giám sát xử lý các trường hợp không thực hiện đúng quy hoạch; tổ chức, cá nhân cố tình phá vỡ, làm trái quy hoạch. Có như vậy mới đưa ngành xi măng đi vào nề nếp theo đúng đường lối phát triển mong muốn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), duy trì tốt đà tăng trưởng XK, sản lượng xi măng, clinker XK trong tháng 9/2018 đạt 2,20 triệu tấn đã đưa tổng sản lượng XK nhóm hàng này trong 9 tháng 2018 vượt xa kết quả của cả năm 2017, đạt 23,3 triệu tấn. |