Nghi lễ cúng rừng được đồng bào các dân tộc như: Mông, Hà Nhì, Pu Péo, Tày, Nùng... tổ chức hàng năm nhằm tạ ơn thần rừng đã che chở dân làng, cung cấp nhiều sản vật và không khí trong lành.
|
Đồng bào các dân tộc tổ chức lễ cúng rừng để tạ ơn thần rừng |
Lễ cúng rừng của các dân tộc vùng cao Tây Bắc thường tổ chức ngay trong khu rừng thiêng, rừng cấm của bản làng đồng bào đang sinh sống. Với đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc, rừng cấm được người dân gìn giữ và bảo vệ bởi các luật tục và điều kiêng kỵ, không ai được xâm phạm nơi ở của thần, không được vào rừng chặt cây, lấy củi, săn bắn…
|
Từ sáng sớm đồng bào đã di chuyển vào rừng |
|
Bà con tập trung dưới tán rừng để làm lễ |
|
Không chỉ có người già mà các bạn trẻ cũng tham gia lễ cúng rừng |
Để tiến hành nghi lễ, đồng bào tập trung từ sáng sớm, lập một bàn thờ dưới tán rừng xanh để làm lễ cúng rừng. Vì đây là hoạt động mang tính cộng đồng cao nên trong ngày làm lễ cúng rừng, người dân trong làng tập trung tại khu làm lễ dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ xung quanh gốc cây cổ thụ để lấy không gian tổ chức nghi lễ. Ngoài ra, đồng bào còn chuẩn bị lễ vật dâng thần rừng gồm: Gà sống, thịt lợn, xôi nếp thơm, rượu, tiền vàng, gạo, trầu cau… cùng thực phẩm và vật dụng để sử dụng ngay trong lễ cúng rừng.
|
Chuẩn bị lễ vật cúng thần rừng |
|
Trong lễ cúng rừng không thể thiếu xôi, gà, rượu |
Nghi lễ cúng rừng của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc không chỉ có ý nghĩa tạ ơn thần rừng đã cai quản rừng xanh giúp con người, mà còn là một hoạt động văn hóa tâm linh mang đậm bản sắc. Đây là hoạt động nhằm tăng cường đoàn kết cộng đồng, nâng cao sự hiểu biết của người dân về vai trò của rừng đối với cuộc sống, từ đó mỗi người có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng thiêng của bản làng.
|
Dâng hương trong lễ cúng rừng dân tộc Mông |
Khi mọi công việc chuẩn bị hoàn tất thì lễ cúng các vị thần linh của rừng cũng được bắt đầu. Người chịu trách nhiệm chính trong lễ cúng rừng là thầy cúng. Thầy cúng phải là bậc cao niên và am hiểu sâu sắc phong tục, tập quán của địa phương, được dân làng kính trọng, tín nhiệm. Trước khi tiến hành bài cúng, thầy cúng thắp hương, thắp đèn, rót rượu, mọi người đứng nghiêm trang chắp tay phía trước bàn thờ. Trong bài khấn, thầy cúng nói những lời tạ ơn công đức của thần rừng quanh năm bao bọc, mong thần rừng tiếp tục chở che cho dân làng trước thiên tai mưa lũ, cho một năm mới mọi loài phát triển, muông thú sinh sôi, mùa màng thuận lợi, người làng bình an, ấm cúng.
|
Nghi thức trong lễ cúng rừng của dân tộc Pu Péo |
Đồng thời, thầy cúng còn thay mặt cho dân làng nói lên quyết tâm sẽ bảo vệ rừng thiêng của bản làng, hằng ngày gìn giữ, chăm sóc và trồng thêm nhiều cây con, quyết tâm không phá hoại rừng. Bài cúng trong lễ cúng rừng cũng mong thần rừng trong năm mới sẽ ban cho dân làng nhiều hoa thơm, trái ngọt, nhiều gỗ quý và cho mưa thuận gió hòa, cây rừng tốt tươi.
|
Thầy cúng ban rượu lộc cho dân làng |
Sau khi lễ cúng rừng, thầy cúng và trưởng bản cùng dân làng tổ chức buổi sinh hoạt cộng đồng ngay tại rừng. Đây là hoạt động nhằm thắt chặt tinh thần đoàn kết của mọi người dân trong bản. Một bữa cơm đầm ấm và vui vẻ được đồng bào tổ chức. Thầy cúng ban rượu lộc cho dân làng, mọi người quây quần xung quanh vừa ăn cơm, vừa cùng nhau bàn bạc về cách bảo vệ rừng thiêng, cách làm hay để trồng thêm rừng mới. Đồng thời, ngay tại lễ cúng rừng, trước dân làng, trưởng bản cũng nhắc lại những nội quy về bảo vệ rừng, nghiêm cấm những hành vi phá hoại rừng, chặt cây bừa bãi ảnh hưởng đến môi trường, môi sinh.
|
Lễ cúng rừng trở thành phong tục, nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao |
Nghi lễ cúng rừng của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc không chỉ là nét văn hóa gắn với triết lý đa thần của cư dân nông, lâm nghiệp mà còn khẳng định giá trị nhân văn của cộng đồng. Lễ cúng rừng thể hiện ý thức tôn trọng, chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ mẹ thiên nhiên. Việc duy trì lễ cúng rừng từ đời này sang đời khác trở thành phong tục, nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao, góp phần gìn giữ, bảo vệ những cánh rừng thêm xanh, bảo vệ môi trường sinh thái.