Bài 2: Nghị định 12/2023/NĐ-CP và câu chuyện kết hợp chính sách tài khoá và tiền tệ Bài 3: Nghị định 12- Không để thủ tục hành chính trở thành rào cản chính sách với doanh nghiệp |
Nghị định số 12/2023/NĐ-CP của Chính phủ: Gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 (Nghị định 12) được đánh giá ban hành đúng thời điểm. Ở góc độ doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10-CTCP (TCTMay 10) đã trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về Nghị định này.
Thưa ông, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 12 với nhiều ưu đãi về thuế và tiền thuê đất, ông đánh giá như thế nào về động thái này, nhất là ở thời điểm doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như hiện nay?
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký ban hành Nghị định 12/2023/NĐ-CP của Chính phủ gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023, có hiệu lực từ ngày 14/4 - 31/12/2023. Theo Nghị định, các đối tượng được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất là doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế như nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất, chế biến thực phẩm; xây dựng; hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; thoát nước và xử lý nước thải…
Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10-CTCP |
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, đơn hàng sụt giảm, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết bài toán đó Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao. Các giải pháp miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất mang ý nghĩa như một khoản tiền Nhà nước hỗ trợ trực tiếp vào chi phí, giúp doanh nghiệp có nguồn lực tài chính quay vòng sản xuất. Bên cạnh đó, các chính sách giãn thuế được xem như một khoản cho vay không tính lãi, đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp xoay vòng vốn nhanh chóng, duy trì sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn.
Cụ thể với TCT May 10, những chính sách này sẽ tác động ra sao tới sản xuất, dòng vốn của doanh nghiệp?
Đây là sự hỗ trợ rất kịp thời và cần thiết không chỉ cho TCT May 10 mà với cả cộng đồng doanh nghiệp. Bởi thực tế hiện nay các doanh nghiệp đang rất khó khăn, thiếu thốn đủ bề, đặc biệt là dòng tiền. Với nguồn hỗ trợ này là sự yểm trợ kịp thời, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực cho sản xuất kinh doanh, tạo cú hích để bứt phá trong thời gian tới.
TCT May 10 cũng như các doanh nghiệp trong ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước luôn chờ đợi các chính sách hỗ trợ tích cực từ Chính phủ, để đảm bảo ổn định và phát triển hơn nữa hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp giá trị cho xã hội.
Từ đầu năm tới nay, thị trường biến động, nhu cầu giảm, đơn hàng nhỏ hơn rất nhiều khiến sản xuất của doanh nghiệp ngành dệt may gặp nhiều khó khăn, May 10 đã linh hoạt trong sản xuất ra sao để đáp ứng bối cảnh mới?
Để đối phó với cuộc khủng hoảng này, hội đồng quản trị, cơ quan điều hành chúng tôi luôn theo dõi sát diễn biến thị trường, bên cạnh đó áp dụng đồng bộ các giải pháp như: Triển khai nhanh các giải pháp chuyển đổi số, trong đó ưu tiên cho quản trị tài chính và quản lý nguồn nhân lực. Tăng cường các giải pháp tiết kiệm năng lượng, đặc biệt là đầu tư cho năng lượng tái tạo, giảm phát thải để vừa tiết giảm chi phí vừa theo đúng lộ trình đáp ứng yêu cầu về môi trường của các nhà mua hàng.
Song song với đó, chúng tôi chú trọng tiêu thụ trong nước. TCT May 10 thường xuyên nghiên cứu thị trường trong nước và trên thế giới để đưa ra những mẫu trang phục phù hợp với mọi sở thích và gu thời trang của nhiều đối tượng khách hàng, qua từng mùa. Ngoài các sản phẩm truyền thống phục vụ chủ yếu phân khúc thị trường phổ thông và thu nhập trung bình khá, TCT May 10 còn cho ra mắt dòng thời trang cao cấp GZ phục vụ tầng lớp trung lưu, doanh nhân.
Nghị định 12 giúp TCT May 10 nói riêng, doanh nghiệp dệt may nói chung có thêm vốn quay vòng sản xuất |
Trong Quý II/2023, sản xuất của doanh nghiệp dệt may còn nhiều khó khăn, ông có mong muốn cũng như đề xuất gì với Chính phủ, Bộ Công Thương nhằm giúp doanh nghiệp có thêm lực để vượt khó?
Tôi cho rằng, không chỉ với TCT May 10 mà cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đặt kỳ vọng, Bộ Công Thương sẽ tăng cường thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh theo nguyên tắc: Lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm; thúc đẩy, tạo mọi điều kiện thuận lợi, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh một cách quyết liệt hơn, qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp cũng như nền kinh tế phục hồi, phát triển bứt phá sau đại dịch Covid-19. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chương trình cắt giảm, đơn giản hoá quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 và nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022 trong lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý, phụ trách.
Đối với các hoạt động thương mại quốc tế, đề nghị: Bộ Công Thương quan tâm nhiều hơn đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong các hoạt động liên quan đến thu tục hành chính tại các thị trường mà Việt Nam đã tham gia ký kết các FTA như: Thành lập đường dây nóng của cơ quan Thương vụ Việt Nam ở các thị trường này để hỗ trợ kịp thời các vướng mắc phát sinh đến các quy tắc xuất xứ hàng hoá, các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt các thủ tục liên quan đến hành chính tại các thị trường các quốc gia lần đầu xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, hoặc chuẩn bị xuất khẩu vào quốc gia mới này. Nâng cao vai trò của Thương vụ Việt Nam tại nước sở tại trong việc tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp về xúc tiến thương mại, luật pháp sở tại, chống bán phá giá, tranh chấp hoặc hỗ trợ tìm hiểu về “sức khỏe đối tác” khi có nguy cơ doanh nghiệp Việt gặp rủi ro…
Tiếp tục ra hạn các giải pháp hỗ trợ về giảm, giãn, gia hạn nhiều loại thuế, phí trong năm 2023 là rất cần thiết, ý nghĩa với doanh nghiệp. Sau khi chính sách được thực thi, cần rà soát và có đánh giá hiệu quả, từ đó bổ sung điều chỉnh kịp thời khi có đề xuất kiến nghị từ doanh nghiệp, trên cơ sở đó Chính phủ điều chỉnh bổ sung cho phù hợp thực tiễn.
Để chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả cao nhất, khi Chính phủ banh hành các văn bản hướng dẫn cần khắc phục triệt để những nút thắt, những rào cản hành chính để những chính sách được triển khai với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan liên quan cũng cần có hướng dẫn cụ thể để triển khai Nghị định, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với chính sách quan trọng này.
Trân trọng cảm ơn ông!