Khoảng 112.000 tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất năm 2023 được gia hạn thời hạn nộp Giảm thuế và giãn thuế: Nhà nước cùng doanh nghiệp chủ động “xắn tay” vượt qua thách thức |
Ngày 14/4/2023, tại Nghị định 12/2023/NĐ-CP (Nghị định 12), Chính phủ đã quyết định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 để có thể bắt đầu thực hiện ngay từ ngày ban hành Nghị định.
Gia hạn 6 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2023 và quý I năm 2023, gia hạn 5 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 6 năm 2023 và quý II năm 2023, gia hạn 4 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 7 năm 2023, gia hạn 3 tháng đối với số thuế giá trị gia tăng của tháng 8 năm 2023; gia hạn 3 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp quý l, quý II của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2023; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân năm 2023 chậm nhất là ngày 30/12/2023; gia hạn 6 tháng đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023.
Người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất một lần cho toàn bộ số thuế, tiền thuê đất phát sinh trong các kỳ tính thuế được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế theo tháng (hoặc theo quý) theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Trường hợp Giấy đề nghị gia hạn không nộp cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế thì thời hạn chậm nhất là ngày 30 tháng 9 năm 2023.
Nghị định 12 đã quy định đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 tại Điều 3 của Nghị định.
Cùng đó trình tự thực hiện gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cũng được thiết kế rõ với yêu cầu người nộp thuế tự xác định và chịu trách nhiệm về việc đề nghị gia hạn đảm bảo đúng đối tượng được gia hạn theo Nghị định 12/2023/NĐ-CP.
“Không tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn trong khoảng thời gian được gia hạn thời hạn nộp”, Chính phủ nêu rõ.
Lâu nay câu chuyện kết hợp chính sách tài khoá và chinh sách tiền tệ luôn nằm trong số các mối quan tâm hàng đầu của nền kinh tế. Phân tích về những bối cảnh liên quan đến Nghị định 12, chuyên gia tài chính Châu Đình Linh, Giảng viên Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh nói, nhìn tổng thể nền kinh tế, có những đầu tàu kinh tế mà GDP lại tăng trưởng thấp, hoặc âm, nếu bây giờ mà nó diễn biến trong quý tiếp theo mà vẫn tương tự như vậy thì Việt Nam sẽ đối diện với nguy cơ suy thoái kinh tế.
“Mọi thứ đang chuyển biến rất không thuận lợi cho doanh nghiệp, nào là lãi suất cao, thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, những vận hành trong doanh nghiệp bị trục trặc, nên bây giờ bắt buộc cần có những giải pháp tức thời, để giải quyết”, ông Linh nhìn nhận
Các giải pháp này phải nằm ở chính sách tiền tệ và tài khoá kết hợp lại với nhau, từ đầu năm đến giờ thì chính sách tiền tệ phát huy rất nhiều vai trò của nó, thông qua những thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nào là giãn về cơ cấu nợ, liên quan đến tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất điều hành xuống, yêu cầu các ngân hàng thương mại có những chính sách riêng biệt, gói hỗ trợ lãi suất cho tín dụng bất động sản. Như vậy, vai trò chính sách tiền tệ đã được thực hiện rồi thì vai trò của chính sách tài khoá cần được phát huy.
Nghị định 12 của Chính phủ đáp ứng được sự mong mỏi của doanh nghiệp |
Với việc Nghị định 12 ra đời, chuyên gia Châu Đình Linh nhận xét khá xác đáng là đây là “phát súng thứ hai” báo hiệu đã có sự kết hợp giữa hai chính sách này bên cạnh “phát súng thứ nhất” đến từ chính sách giải ngân vốn đầu tư công.
“Nghị định này như một “liều thuốc kịp thời”, giải quyết được những vấn đề khó khăn hiện tại trong nền kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng”, ông Linh nhận xét.
Còn TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ: Bức tranh doanh nghiệp 3 tháng đầu năm vô cùng khó khăn xuất phát từ việc chi phí đầu vào tăng lên, giá xăng, giá phân bón, các nguyên liệu đầu vào đều tăng, sắp tới giá điện cũng có thể tăng. Trong khi đó, thị trường đầu ra của doanh nghiệp thì lại tăng không tương xứng, khiến doanh nghiệp đành phải tiết kiệm chắt bóp, nếu không tiết kiệm được thì doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa.
Một lý do nữa là kinh tế thế giới khó khăn, tốc độ tăng trưởng giảm sút, kinh tế châu Âu, Mỹ, một số nước mấp mé mức tăng trưởng bằng 0 hoặc âm, như Đức 0,1%; Mỹ điều chỉnh bằng tăng lãi suất để chống lạm phát, điều này tác động đến xuất khẩu của Việt Nam.
“Trước tình hình trên, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Tôi rất hoan nghênh Nghị định này của Chính phủ, đồng thời đánh giá cao việc đề xuất cắt giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, để gỡ khó cho khu vực doanh nghiệp”, TS Doanh nói.
Tuy nhiên, việc gia hạn thời hạn nộp thuế cũng đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ tránh tình trạng thất thoát nguồn thu ngân sách, tránh khỏi các ảnh hưởng tiêu cực đến ngân sách Nhà nước, gây khó khăn trong việc duy trì các hoạt động của địa phương và trên toàn quốc, bà Trần Thị Phương Lan - Luật sư- Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Đa Phương lưu ý.
Kỳ 3: Không để thủ tục hành chính trở thành rào cản doanh nghiệp thụ hưởng chính sách