Văn hóa dân tộc - Sức mạnh, niềm tự hào của mỗi người dân Việt Đa dạng sắc màu văn hóa các dân tộc tại Làng Văn hóa Việt Nam |
Dưới sự tác động của đời sống kinh tế, xã hội, nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế, bùng nổ thông tin hiện nay, sự giao thoa, du nhập văn hóa của các vùng miền đang có những tác động không nhỏ tới văn hóa dân tộc thiểu số. Một số giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đứng trước nguy cơ mai một. Không gian văn hóa bị tác động, người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ có xu hướng thờ ơ với văn hóa truyền thống, ít quan tâm đến việc bảo tồn các phong tục, tập quán, các lễ nghi tín ngưỡng, các lễ hội, nghề truyền thống...
Nghệ nhân là nòng cốt bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số |
Vì vậy nếu không có giải pháp bảo tồn phù hợp, sẽ bào mòn di sản văn hóa dân tộc của đồng bào. Cụ thể là hiện nay một số phong tục, tập quán mang nét đẹp văn hóa lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số đang bị biến tướng, không phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống.
Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay cần có sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là đội ngũ nghệ nhân người dân tộc thiểu số - những người lưu giữ một kho tàng đồ sộ về tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội, phong tục, tập quán, các loại hình nghệ thuật truyền thống. Đây cũng chính là đội ngũ chủ chốt để truyền dạy, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Ðứng trước những thách thức của quá trình phát triển, đội ngũ người có uy tín trong cộng đồng, những nghệ nhân, các già làng, trưởng bản, là sợi dây níu giữ các yếu tố bản địa, đặc trưng và sắc thái văn hóa riêng của dân tộc mình không bị hòa tan. Việc nhìn nhận đúng vai trò của nghệ nhân trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của cộng đồng tộc người càng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Với vai trò chủ thể sáng tạo của di sản văn hóa dân tộc, đồng thời là một thành viên trong cộng đồng, nghệ nhân có thể là những nghệ sĩ, những người thợ giỏi, nắm bí quyết nghề được cộng đồng tin tưởng. Cùng đó khả năng thực hành nghệ thuật diễn xướng và cả nghề truyền thống, những nghệ nhân miệt mài cống hiến, sáng tạo, truyền dạy điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống cho lớp cháu con.
Nghệ nhân truyền dạy nghề thủ công truyền thống cho con em |
Đa số những nghệ nhân không sống được bằng nghề mà chủ yếu từ sự yêu nghề, tâm huyết, muốn bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy cho các thế hệ mai sau. Nhiều nghệ nhân lớn tuổi vẫn đau đáu, loay hoay tìm ra con đường để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đặc biệt là đối với nhóm dân tộc rất ít người.
Trong xây dựng đời sống văn hóa dân tộc thiểu số hiện nay, thông qua lao động, học tập, các nghệ nhân tiếp tục khẳng định vai trò, truyền đạt giúp người dân thay đổi nhận thức, bài trừ và đẩy lùi các hủ tục lạc hậu như ma chay nhiều ngày, tục cướp vợ, hôn nhân cận huyết... Họ còn nắm bắt tâm tư nguyện vọng và tham gia cùng cộng đồng tháo gỡ khó khăn, dạy dỗ, bảo ban thế hệ trẻ lòng tự hào và trách nhiệm về bản sắc văn hóa riêng có của dân tộc mình, từ đó vận động mọi người chung tay xóa đói, giảm nghèo, gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.
Ðể giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, bên cạnh vai trò quản lý và định hướng của Nhà nước, các chính sách hiệu quả về bảo tồn văn hóa, di sản... cần có những cơ chế đặc thù đãi ngộ, động viên và tôn vinh đội ngũ nghệ nhân kịp thời, để họ phát huy mọi khả năng đóng góp cho công tác bảo tồn văn hóa truyền thống. Những chính sách này sẽ góp phần phát huy vai trò, tính sáng tạo của nghệ nhân trong bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, đồng thời giúp họ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác bảo tồn di sản cho đội ngũ kế cận.
Nhằm phát huy vai trò của nghệ nhân để họ thuận lợi trong hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, cần thường xuyên tạo điều kiện để các nghệ nhân, người có uy tín giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về cách làm hay, mô hình hiệu quả trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc Việt Nam. Đồng thời giúp họ nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của mình trong bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, ý thức được tầm quan trọng việc trao truyền cho thế hệ sau, thể hiện bản lĩnh thông qua việc lựa chọn và bảo vệ những giá trị di sản văn hóa tộc người, địa phương trước sự xâm lấn văn hóa.