Việc học sinh dùng sách in lậu làm hạn chế quá trình tiếp thu bài học theo đúng giáo trình |
Thiệt hại "kép"
Đầu năm học 2017 - 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã có công văn chỉ đạo các trường học về vấn đề SGK; các đoàn liên ngành phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý tình trạng in sao SGK. Dù vậy, SGK lậu trên địa bàn tỉnh vẫn được bày bán tràn lan, đặc biệt, có đến 30% SGK tiếng Anh là sách ngoài luồng.
Thực tế hiện nay, sách không rõ nguồn gốc, in lậu, in nối bản được bày bán lẫn lộn trong các cửa hàng sách tư nhân; thậm chí, nhiều cuốn không ghi tên NXB, không có số lưu chiểu, không giấy phép xuất bản… Tại TP. Vinh, nhiều phụ huynh học sinh phản ánh phải mua lại sách cho con sau khi cô giáo phát hiện sách của các cháu đang học là sách lậu. Chị Nguyễn Thị Hà (phường Lê Mao) đang cho con theo học chương trình tiếng Anh Family and Friend - giáo trình của nhà xuất bản Oxford. Dù đã cẩn thận chọn mua sách học tại nhà sách khá nổi tiếng trên đường Lê Duẩn với giá khá cao, có kèm theo đĩa, nhưng khi nhập mã số ở sách vào hệ thống để học thêm trên mạng, chị mới phát hiện đây là sách lậu. Một bộ sách tiếng Anh đúng chuẩn giá khá đắt (từ 200.000 - 300.000 đồng), trong khi đó, sách lậu giá chỉ bằng 50% nên đã đánh vào tâm lý ham rẻ của nhiều phụ huynh.
Với sách Tiếng Anh nếu in chuẩn rất đẹp, sử dụng bền, không bị bong gáy và có thể sử dụng nhiều năm. Với sách lậu, do sử dụng mực in kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến thị giác mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc học sinh dùng sách in lậu cũng không thể sử dụng được hết tính năng của sách làm hạn chế quá trình tiếp thu bài học theo đúng giáo trình.
Nhiều "lỗ hổng" trong quản lý
Ông Trần Xuân Toàn - Giám đốc Công ty Cổ phần Sách và thiết bị trường học Nghệ An - cho biết: Hiện nay, chỉ cung ứng được khoảng 50% sách cho các đại lý trên địa bàn. Số còn lại, các đại lý lấy thêm từ nhiều nguồn khác, vì vậy, chất lượng SGK đang bị "thả nổi" khá nhiều.
Để đối phó với các lực lượng chức năng, đầu năm học, một số đại lý chỉ lấy một ít sách từ Công ty Phát hành sách. Còn lại, họ tìm đến nhiều nguồn cung ứng khác vì lợi nhuận hoa hồng được chiết khấu nhiều hơn dòng sách của nhà xuất bản chính thống. Mặc dù chưa có số liệu khảo sát chính thức nhưng lãnh đạo Công ty Cổ phần Sách và thiết bị trường học cũng thừa nhận: Hiện nay, hầu hết SGK đều bị làm lậu. Thậm chí, sách lậu còn len lỏi vào các trường học, dù nhà trường đều liên hệ với những đại lý lớn để cung ứng.
Ông Trần Anh Tuấn - Chánh Thanh tra của Sở Thông tin và Truyền thông, Đội trưởng Đội phòng chống buôn lậu tỉnh Nghệ An - cho biết: Tình trạng sách lậu diễn ra quanh năm, tuy nhiên, do lực lượng mỏng nên việc kiểm tra SGK lậu chỉ tổ chức được 1 lần/năm và việc xử lý khó triệt để. Bên cạnh đó, việc thanh tra coân nhiïìu khó khăn do hộ kinh doanh SGK chủ yếu tại gia đình nên khi kiểm tra chỉ thực hiện quanh khu vực buôn bán và ở những cuốn sách đang được trưng bày.
Từ năm 2016 đến nay, đội liên ngành phòng chống in lậu Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An đã tiến hành 3 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 67 cửa hàng sách và đã xử phạt 12 cơ sở vi phạm với 115 đầu sách. Tuy vậy, thực tế công tác kiểm tra cũng mới chỉ làm được đầu ngọn mà chưa giải quyết được tận gốc.
Trước thực tế SGK ngoài luồng tràn lan như hiện nay, phụ huynh và học sinh phải là người tiêu dùng thông thái, chọn mua SGK tại các công ty, đại lý sách chính thống. |