Tại Hội thảo, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp ở Nghệ An đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm đưa hàng nông sản vào siêu thị kết, nối cung cầu hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản; giúp các doanh nghiệp, HTX, đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn hiểu rõ các quy định, tiêu chuẩn cung ứng nông sản, cách thức tham gia vào hệ thống siêu thị; Tư vấn giải pháp cải thiện điều kiện sản xuất, chất lượng để sản phẩm đủ tiêu chuẩn bán hàng trong siêu thị; tăng cường giao lưu, kết nối giữa các hộ sản xuất, HTX với các đơn vị bao tiêu sản phẩm...
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, đại diện các siêu thị, các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các tỉnh lân cận |
Ông Cao Minh Tú – Phó giám đốc Sở Công Thương Nghệ An chia sẻ, nếu như cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh Nghệ An chỉ có 4 trung tâm thương mại, 42 siêu thị, các chuỗi cửa hàng chủ yếu tập trung vào điện tử, điện lạnh thì đến nay đã có 17 trung tâm thương mại, 95 siêu thị; ngoài ra còn hơn 100 cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đang phát triển nhanh, góp phần rất lớn vào việc tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn.
Tuy nhiên, số lượng cơ sở bán lẻ hiện đại tăng nhanh nhưng quy mô còn nhỏ, một số chưa đáp ứng tiêu chuẩn theo quy chế siêu thị, trung tâm thương mại. Hệ thống bán lẻ hiện đại hiện chủ yếu tập trung ở thành phố Vinh, các thị xã, thị trấn và nhưng nơi có lợi thế thương mại. Khu vực nông thôn đặc biệt là miền núi, vùng sâu vùng xa số lương cơ sở bán lẻ hiện đại còn ít. Hiện còn thiếu các nhà đầu tư có năng lực về tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp trong lĩnh vực siêu thị, trung tâm thương mại và năng lực tài chính để thực hiện các dự án đầu tư và khai thác kinh doanh hiệu quả, vẫn còn tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ hoặc đề xuất chuyển đổi mục đích triển khai dự án…ôngTú nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Mạnh Hoàn - Giám đốc Công ty Cổ phần Biển Quỳnh cho rằng: Với những doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, việc liên kết đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các siêu thị không dễ dàng. Lỗi thường mắc phải nhất là các cơ sở sản xuất chưa chú trọng đến việc hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý kinh doanh. Có những đơn vị đã thương thảo xong với phía siêu thị tuy nhiên đến lúc ký kết hợp đồng để nhập hàng thì hồ sơ còn thiếu sót, phải vội vàng đi bổ sung, khiến cho việc hợp tác bị đình trệ, mất uy tín đối với đơn vị bao tiêu sản phẩm...
Theo ông Nguyễn Thanh Hiền - Giám đốc Công ty TNHH công nghệ sinh học Tomcare, các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất cần tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, không chỉ trên địa bàn Nghệ An mà các tỉnh thành trên cả nước để quảng bá sản phẩm của mình, khi đó mới gây được sự chú ý đối với các hệ thống siêu thị, các đơn vị bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, khi trưng bày sản phẩm tại các hội chợ, các điểm bán thì phải chú trọng đến hình thức, cách trang trí gian hàng sao cho nổi bật nhất, thái độ phục vụ chuyên nghiệp nhất, khi đó mới có thể thu hút được các đơn vị cũng như người tiêu dùng.
Các đại biểu tham quan các gian hàng được trưng bày tại Hội thảo. |
Với vai trò là doanh nghiệp thu mua, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp trên địa bàn, ông Trần Anh Khang, GIám đốc siêu thị BigC Vinh cho biết: Hiện nay, mặc dù nông sản, đặc sản trên địa bàn Nghệ An rất nhiều tuy nhiên thực tế mới đưa vào siêu thị BigC Vinh chỉ chiếm khoảng 30 - 40% tổng số hàng được bày bán. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, chủ yếu là do hồ sơ pháp lý, các giấy chứng nhận còn thiếu sót, quá nhiều sản phẩm tương đồng (ví dụ như Cam Vinh có hàng nghìn hộ trồng trên địa bàn tỉnh, phía BigC Vinh không thể bao tiêu hết, nhất là trong thời điểm chính vụ); các nông sản trên địa bàn tỉnh còn thiếu tính cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, giá cả so với các tỉnh bạn...
Tại hội nghị, các DN, siêu thị, nhà phân phối hàng hoá thông tin về các quy trình, chính sách hỗ trợ, điều kiện để đưa hàng hoá vào các hệ thống phân phối hiện đại; các HTX, DN, cơ sở khởi nghiệp, hộ sản xuất cũng trình bày những khó khăn, những kiến nghị trong câu chuyện cung - cầu nông sản. Qua đó, phần nào tháo gỡ những nút thắt về liên kết tiêu thụ nông sản giữa hai bên.
Theo đó, các địa phương cần rà soát, quy hoạch phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại, quan tâm phát triển hệ thống bán lẻ tại các địa bàn nông thôn, miền núi. Các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm để đảm bảo quỹ đất phát hệ thống bán lẻ hiện đại, ưu tiên lựa chọn các vị trí có quỹ đất phù hợp, thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư trọng điểm, khai thác tối ưu quỹ đất phi nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp có hiệu quả thấp để chuyển đổi sang đất thương mại, dịch vụ; Thu hút, lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực về tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại và năng lực tài chính để thực hiện các dự án đầu tư và khai thác kinh doanh hiệu quả...Đối với các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất chú trọng đến chất lượng sản phẩm, hoàn thiện các hồ sơ, giấy tờ trước khi làm việc với các hệ thống siêu thị.
Có thể thấy, kết nối cung - cầu nông sản cần phải là “cuộc chơi sòng phẳng”. Ngoài việc người nông dân tạo sự khác biệt về chất lượng để nâng cao tính cạnh tranh, đồng thời đa dạng loại sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; điều quan trọng nhất là phải giữ chữ tín, sự chuyên nghiệp về sản xuất, chú trọng bảo vệ môi trường. Đặc biệt, nhất quán quan điểm “lợi ích, lợi nhuận của DN, cũng chính là lợi ích, lợi nhuận của người sản xuất” để hướng đến sự chia sẻ, đồng hành lâu dài, từ đó hình thành “sợi dây” liên kết bền vững.