Là tỉnh có nhiều tiềm năng về nông sản, đặc biệt là ngô hay đậu tương nhưng vẫn phải nhập khẩu những mặt hàng này |
Xuất khẩu còn khiêm tốn
Có một thực tế rất phũ phàng đó là nhiều năm qua, người nông dân ở một số địa phương Nghệ An không còn mặn mà với cây lúa. Là vựa lúa lớn nhất của cả tỉnh, sản lượng lương thực mỗi năm hàng trăm ngàn tấn, nhưng theo ông Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, băn khoăn nhất của huyện là làm sao thu nhập của người dân được nâng cao, vì trên thực tế khi được mùa lại rớt giá. Thị trường đầu ra của người dân hoàn toàn bị động, chủ yếu mua bán trôi nổi, giá theo thỏa thuận trên thị trường. Các thương lái thu mua như thế nào thì bán như vậy. Cho nên, thu nhập của người dân chưa đảm bảo công sức bỏ ra. Hiện tại trên địa bàn huyện đã có đơn vị đến đầu tư, liên kết nhưng sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, khoa học còn hạn chế.
“Thực tế, người dân Yên Thành chưa bỏ ruộng nhưng thực tâm thì họ chưa quan tâm đến sản xuất lúa” - ông Tuyên nhìn nhận.
“Bức tranh” về lúa của Yên Thành cũng là tình trạng chung của cả tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có một doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu trực tiếp gạo. Nhưng hàng năm, số lượng xuất khẩu cũng rất ít mà chủ yếu gạo chỉ phục vụ thị trường nội địa.
Cũng theo Sở Công Thương Nghệ An, mặc dù tỉnh có lợi thế về lạc nhưng hàng năm, số lô xuất khẩu trực tiếp cũng không đáng kể, kim ngạch xuất khẩu giảm khá mạnh. Theo các doanh nghiệp, giá lạc Nghệ An hiện cao hơn những địa phương khác, không cạnh tranh được với các nước khác như Thái Lan. Ngoài ra với tư duy làm ăn chụp giật của một số hộ dân vì muốn tăng lợi nhuận đã ủ nước, khiến sản phẩm chất lượng kém. Điều đáng nói là tỉnh có nhiều tiềm năm để sản xuất nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt là ngô hay đậu tương nhưng nhiều năm qua vẫn phải nhập khẩu những mặt hàng này.
Cần rà soát lại quy hoạch
Sở dĩ, việc xuất khẩu hàng nông sản của Nghệ An hiện nay đang vướng là do công tác chế biến, đầu ra cho sản phẩm. Còn với các sản phẩm có thị trường thì vùng nguyên liệu không đáp ứng được, quy mô hàng hóa nhỏ, giá thành cao. Một hạn chế nữa là rất nhiều mặt hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp vẫn còn phụ thuộc vào nguồn hàng của các tỉnh lân cận, như: Tinh bột sắn, cao su, gạo tẻ, nguyên liệu chanh leo, sản phẩm gỗ...
Theo các chuyên gia, để tăng nhanh giá trị xuất khẩu hàng nông sản, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh cần phải đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến; rà soát sản phẩm theo hướng nội tiêu hay xuất khẩu để có định hướng cụ thể. Nhất thiết phải rà soát lại quy hoạch, tiếp tục xây dựng các vùng chuyên canh cây công nghiệp tập trung như mía, chè, sắn, cao su… phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng được nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Song song với đó là tăng cường công tác quản lý và thực hiện đúng quy hoạch, tránh tình trạng chạy theo phong trào.