Nghệ An: Hàng ngàn giáo viên mầm non hợp đồng bị chậm lương Giáo viên hợp đồng ở Nghệ An 'kêu cứu' |
Tình trạng thiếu giáo viên các cấp học từ mầm non đến phổ thông công lập diễn ra ở nhiều địa phương tại tỉnh Nghệ An. Trong khi việc tuyển dụng mới rất khó khăn, số giáo viên nghỉ, nhất là giáo viên mầm non liên tục diễn ra.
Đến hẹn lại… thiếu
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, số giáo viên đang thiếu chủ yếu ở bậc mầm non, tiểu học và với một số môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, TP. Vinh, Nam Đàn, Thanh Chương, Yên Thành, Quỳnh Lưu... là những địa phương thiếu giáo viên nhiều nhất.
Nghệ An thiếu 6.500 giáo viên ở các cấp học |
Tại Nghệ An, năm học 2023- 2024 sẽ thiếu khoảng 6.500 giáo viên, trong đó nhiều nhất là bậc mầm non tiếp đó là bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông và đội ngũ nhân viên trường học, dẫn đến khó khăn cho các nhà trường trong việc bố trí, sắp xếp đội ngũ. Đây cũng là bài toán khó, diễn ra trong nhiều năm nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm.
Trong năm học qua, mặc dù các địa phương đã triển khai công tác tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được giao nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục. Tỷ lệ giáo viên/lớp ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập ở Nghệ An (chỉ tính giáo viên trong biên chế) còn thấp hơn so với quy định.
Hiện nay, theo tính toán Nghệ An còn thiếu khoảng 6.500 giáo viên, trong đó nhiều nhất là bậc mầm non với hơn 2.909 người, tiếp đó là bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông và đội ngũ nhân viên trường học.
Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đánh giá cơ cấu đội ngũ nhà giáo còn mất cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.
Tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (các môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục. Trong khi đó, chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế.
Năm 2022, tỉnh Nghệ An được trung ương bố trí 2.820 biên chế giáo dục và đào tạo/27.000 biên chế của toàn quốc. Sau đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định bổ sung chỉ tiêu trên kèm phân bổ chi tiết về cho Sở Sở Giáo dục và Đào tạo và các huyện, thành, thị. Cụ thể, bậc mầm non là 2.164 biên chế, tiểu học là 498, trung học cơ sở là 142 và trung học phổ thông là 16.
Năm học mới này, Nghệ An thiếu 6.500 biên chế, tuy nhiên theo Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An số biên chế được bổ sung trong năm học này chỉ có 3.013 biên chế. Đến nay các cơ quan, đơn vị mới chỉ tuyển dụng được 812 người, còn 2.075 chỉ tiêu đang được tiến hành quy trình tuyển dụng.
Được biết, đến tháng 7/2023, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện, thậm chí có huyện chưa ra thông báo tuyển dụng. Cụ thể như huyện Yên Thành được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tuyển dụng 392 người, nhưng đến nay vẫn chưa tuyển được một người nào vào biên chế. Tiếp theo là huyện Quỳnh Lưu, được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tuyển dụng 435 người, nhưng đến nay mới chỉ tuyển được 86 người, còn 318 người chưa tuyển dụng xong. Huyện Nghi Lộc được phê duyệt tuyển dụng 186 người nhưng mới chỉ tuyển dụng được 30 người…
Học sinh tăng, giáo viên mầm non nghỉ việc nhiều
Đến tháng 7/2023, Nghệ An mới có 9/21 địa phương hoàn thành việc tuyển dụng giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non theo diện 06 và 09 (là số giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị định số 06 ngày 5/1/2018 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 09 ngày 11/3/2013 của liên bộ Giáo dục và Đào tạo - Tài chính - Nội vụ).
Vì thiếu giáo viên nên việc triển khai một số môn học như tin học, ngoại ngữ gặp nhiều khó khăn |
Lý giải về tình trạng thiếu giáo viên, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII tháng 7/2023, ông Đậu Đình Dương - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An, cho biết, việc tuyển dụng chậm của các cơ quan, đơn vị là do một số nguyên nhân như: Việc xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên của một số Phòng Sở Giáo dục và Đào tạo và Phòng Nội vụ thuộc UBND cấp huyện còn chậm; thời gian cho ý kiến về kế hoạch tuyển dụng giáo viên của một số Ban chỉ đạo quản lý bộ máy và biên chế cấp huyện dài; nguồn cung giáo viên một số chuyên ngành như giáo viên sư phạm tiểu học, giáo viên tin học... ở một số huyện không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng; số lượng công chức ở một số Phòng Nội vụ thuộc UBND cấp huyện quá ít và thiếu kinh nghiệm.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, năm học 2023 - 2024 dự báo tăng 26.000 học sinh ở các cấp học. Trong đó dự kiến số học sinh trung học cơ sở năm học 2023-2024 khoảng 232.782 em, tăng so với năm học trước khoảng 26.081 em. Trong khi đó, học sinh bậc trung học phổ thông chỉ tăng nhẹ và học sinh bậc tiểu học không tăng nhiều so với các năm học trước.
Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An nhận định: Nguyên nhân chính dẫn đến việc số giáo viên mầm non vẫn thiếu nhiều so với năm học trước là do số trẻ đến trường năm học 2022-2023 tăng thêm.
Một nguyên nhân khác dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng hơn được chỉ ra là do chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định bậc tiểu học tổ chức học 2 buổi/ngày; thêm một số môn học mới, bắt buộc, thêm tiết học giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp...
Trong khi đó, "làn sóng" giáo viên nghỉ việc đang có chiều hướng gia tăng. Tính riêng khu vực Thành phố Vinh, năm học vừa qua (theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh) địa bàn có 21 giáo viên xin nghỉ việc hoặc xin về hưu trước tuổi. 6 tháng đầu năm 2023 có 5 giáo viên xin nghỉ việc. Tính từ năm 2021 đến nay, toàn thành phố có hơn 30 giáo viên xin nghỉ việc ở cả ba cấp học, trong đó chủ yếu là giáo viên mầm non. Theo thông tin, ở những địa bàn khác, việc giáo viên xin nghỉ việc cũng có chiều hướng tăng...
Bên cạnh đó, một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có chính sách đột phá thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn; còn nhiều bất cập trong việc bố trí giáo viên tiếng Anh, tin học và công nghệ dạy liên trường, liên cấp...
Với thực tế này, có thể thấy việc thiếu giáo viên ở Nghệ An là "bài toán" chưa thể giải trong những năm học tới đây...