Cần đảm bảo về giá, sản lượng cung ứng
Mong muốn góp mặt trên kệ hàng của các hệ thống phân phối quy mô với lượng tiêu thụ lớn, ổn định là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, hộ nông dân ở Nghệ An. Nhưng làm cách nào để đạt mục tiêu này là điều không đơn giản.
Mô hình trồng rau trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Nam Đàn (Nghệ An), được thị trường đón nhận nhiệt tình |
Ghi nhận tại Nghệ An, vào thời điểm cuối năm 2020 diễn ra nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá hàng Việt và nông sản, đặc sản địa phương; trong đó, “Tuần lễ đặc sản Tây Bắc và các tỉnh miền núi phía Bắc” được tổ chức tại siêu thị Big C Vinh đã tạo cơ hội cho các đơn vị sản xuất, phân phối đưa thực phẩm an toàn vào hệ thống siêu thị này. Đặc biệt, giúp các nhà cung cấp, hộ sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương mở rộng mạng lưới phân phối vào kênh bán lẻ hiện đại.
Ông Trần Anh Khang - Giám đốc siêu thị BigC Vinh - cho rằng, việc Tuần lễ đặc sản Tây Bắc và các tỉnh miền núi phía Bắc được tổ chức ở TP. Vinh (Nghệ An) không nằm ngoài mục tiêu hỗ trợ quảng bá hàng Việt, kích cầu tiêu dùng, tạo giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu cho nông sản. Đồng thời, chủ động tạo điều kiện cho hàng Việt đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Tại Hội thảo "Tìm giải pháp đưa nông sản vào siêu thị và kết nối cung cầu hỗ trợ tiêu thụ nông sản" do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Nghệ An tổ chức vào đầu tháng 12 vừa qua, ông Trần Anh Khang cho biết: Hiện nay, mặc dù nông sản, đặc sản trên địa bàn Nghệ An rất nhiều, tuy nhiên thực tế mới đưa vào siêu thị BigC Vinh chỉ chiếm khoảng 30 - 40% tổng số hàng được bày bán. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, chủ yếu là do hồ sơ pháp lý, các giấy chứng nhận còn thiếu sót, quá nhiều sản phẩm tương đồng (ví dụ như Cam Vinh có hàng nghìn hộ trồng trên địa bàn tỉnh, phía BigC Vinh không thể bao tiêu hết, nhất là trong thời điểm chính vụ), các nông sản trên địa bàn tỉnh còn thiếu tính cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, giá cả so với các tỉnh bạn...
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Công Việt - Giám đốc siêu thị Mega Market Vinh - cho rằng: “Nguyên nhân chủ yếu khiến chúng tôi chưa thể ký kết với các đơn vị, hộ dân sản xuất nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh là do họ chưa đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu từ phía siêu thị đưa ra. Có những đơn vị đủ sản lượng thì lại thiếu về giấy tờ, thủ tục pháp lý và ngược lại. Bên cạnh đó, một điều tối kỵ khi nông sản trưng bày trên kệ hàng của siêu thị là không được phép hết hàng, ngày nào cũng phải có, tuy nhiên, đối với mặt hàng nông sản phụ thuộc nhiều vào mùa vụ, thời tiết... thì điều này không thể đảm bảo tuyệt đối, đây cũng là trở ngại khiến việc hợp đồng bị gián đoạn”.
Về phía nhà sản xuất, ông Hồ Mạnh Hoàn - Giám đốc Công ty CP Biển Quỳnh (Quỳnh Lưu) - cho rằng: Với những doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, việc liên kết đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các siêu thị không dễ dàng. Lỗi thường mắc phải là các cơ sở sản xuất chưa chú trọng đến việc hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý kinh doanh. Có những đơn vị đã thương thảo xong với phía siêu thị tuy nhiên đến lúc ký kết hợp đồng để nhập hàng thì hồ sơ còn thiếu sót, phải vội vàng đi bổ sung, khiến cho việc hợp tác bị đình trệ, mất uy tín đối với đơn vị bao tiêu sản phẩm...
Đưa sản phẩm an toàn vào kênh bán lẻ hiện đại
Ông Cao Minh Tú - Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An - cho biết, Nghệ An hiện có 17 trung tâm thương mại, 95 siêu thị, ngoài ra còn hơn 100 cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi đang phát triển nhanh, góp phần rất lớn vào việc tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Thực phẩm sạch đã hiện diện ở nhiều chuỗi bán lẻ hiện đại |
Tuy nhiên, ông Tú cũng cho rằng, số lượng cơ sở bán lẻ hiện đại tăng nhanh nhưng quy mô còn nhỏ, một số chưa đáp ứng tiêu chuẩn theo quy chế siêu thị, trung tâm thương mại. Hệ thống bán lẻ hiện đại hiện chủ yếu tập trung ở TP. Vinh, các thị xã, thị trấn và những nơi có lợi thế thương mại. Khu vực nông thôn đặc biệt là miền núi, vùng sâu vùng xa số lượng cơ sở bán lẻ hiện đại còn ít. Hiện còn thiếu các nhà đầu tư có năng lực về tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp trong lĩnh vực siêu thị, trung tâm thương mại và năng lực tài chính để thực hiện các dự án đầu tư và khai thác kinh doanh hiệu quả, vẫn còn tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ hoặc đề xuất chuyển đổi mục đích triển khai dự án…
Thời gian qua, Sở đã xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị kết nối cung cầu và các hoạt động giao thương tại Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng và TP. Vinh; tham gia Hội chợ “Nông nghiệp và các sản phẩm OCOP khu vực phía Bắc” năm 2020 tại Lào Cai; tham quan học tập kinh nghiệm về chợ thí điểm an toàn thực phẩm tại tỉnh Đồng Tháp; báo cáo kế hoạch tổ chức đại hội, hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Ông Tú cho biết thêm, trong thời gian tới, Sở Công Thương chung tay, góp sức phối hợp hơn nữa để triển khai chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại các kênh bán lẻ hiện đại, nhằm thúc đẩy thay đổi hành vi, ý thức người tiêu dùng trong vấn đề lựa chọn thực phẩm an toàn nói chung và nông sản, đặc sản an toàn nói riêng. Đây là hoạt động quan trọng, góp phần quyết định tạo nên thói quen tiêu dùng sản phẩm an toàn, tạo ra xu hướng nâng cao ý thức tiêu dùng của người dân hiện nay.
Tính đến nay, Sở Công Thương Nghệ An đã phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp tăng cường khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa đặc sản tại hệ thống siêu thị ở các tỉnh, thành phố lớn. Cụ thể, hoạt động giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại các kênh bán lẻ hiện đại đã được triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trở thành một địa chỉ tin cậy và là cầu nối giúp hàng Việt nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng, giá thành.
Khẳng định hệ thống phân phối hiện đại là kênh định hướng và giải quyết tốt nhất việc đưa hàng hóa sạch, đầy đủ thông tin về xuất xứ, nhãn mác, bảo đảm tiêu chuẩn đến người tiêu dùng, ông Cao Minh Tú cho biết, Sở cũng sẽ hỗ trợ các nhà phân phối bán lẻ trong, ngoài nước đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối hiện đại, đưa sản phẩm sạch, sản phẩm tươi sống đến từng gia đình. Hạ tầng thương mại ngày càng phát triển và hoàn thiện phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống dân sinh, góp phần thay đổi diện mạo đô thị.