Cuối tháng giêng hàng năm, đồng bào các dân tộc ở các huyện vùng cao Nghệ An lại cùng nhau mang gùi lên rừng lấy măng đắng, măng của một loài cây thuộc họ tre, nứa chỉ mọc ở các cánh rừng trên núi cao. Hiện nay, măng đắng không chỉ là thực phẩm trong bữa ăn thường ngày mà còn trở thành một món ăn đặc sản được người tiêu dùng miền xuôi ưa chuộng.
Măng đắng ngày càng được nhiều người ưa chuộng |
Đầu mùa, măng đắng tuy ít nhưng ngon và ngọt hơn măng cuối mùa. Để lấy được những củ măng non và ngọt đầu mùa, người dân vùng cao phải dùng cuốc, thuổng đào sâu vào lòng đất, khi những búp măng chưa kịp nhú lên khỏi mặt đất. Về cuối mùa, măng nhú càng cao càng đắng. Măng đắng cũng có nhiều loại, có loại nhỏ như ngón tay, có vị đắng pha lẫn vị ngọt khi ăn. Loại măng đắng này mọc nhiều trong vùng rừng núi cao không phải đào bới như các loại khác. Còn loại măng to như bắp chân người lớn thì phải đào sâu xuống lòng đất mới lấy được. Loại này có đặc điểm càng lên dần phía trên ngọn càng đắng còn phần nằm trong lòng đất ngọt hơn. Hầu hết các loại này người Thái đều gọi là “nỏ khốm”. “Nỏ khốm” có vỏ màu tím thì ít đắng hơn còn loại vỏ màu vàng. Do vậy, khi mua măng, người mua tùy theo sở thích của mình để chọn măng, nhưng tốt nhất lúc mua nên hỏi kỹ người dân loại nào đắng, loại nào không. Trước đây, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, măng đắng là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày của người dân nơi đây mùa giáp hạt. Với vị đắng nhạt pha lẫn vị ngọt giòn, hiện măng đắng đã trở thành đặc sản được nhiều người miền xuôi ưa chuộng. Đây cũng là mặt hàng được trao đổi mua bán trên thị trường mang lại thu nhập thời vụ cho người dân miền núi mỗi khi vào mùa.
Măng đắng được bày bán nhiều ở các chợ vùng cao |