Nghệ An: Lao động "thừa" mà "thiếu"
Việc và người tìm nhau
Theo số liệu thống kê, tại Nghệ An từ tháng 4 đến tháng 10/2021, làn sóng dịch chuyển lao động từ các vùng có dịch Covid- 19 về quê rất lớn, đã có khoảng 99.957 người từ vùng có dịch Covid-19 trở về, trong đó số người trong độ tuổi lao động đến 31/10 là 75.858 người. Trong số này, có 45.292 người đăng ký với chính quyền địa phương là có nhu cầu ở lại quê làm việc, có tới 30.566 người lao động muốn ở lại địa phương tự làm việc hoặc chưa sẵn sàng trở lại làm các công việc trước đây.
Nghệ An đang chú trọng vấn đề an sinh cho công nhân, người lao động để họ yên tâm gắn bó với DN |
Công ty TNHH Kydo huyện Đô Lương, do đang mở rộng thêm 5 chuyền sản xuất nên cần khoảng 1000 lao động. Hiện tại lượng lao động từ miền Nam về rất nhiều và trong số này chúng tôi rất muốn tuyển dụng được những lao động có tay nghề, nhưng thời điểm này vẫn chưa tuyển đủ. Quyền lợi của người lao động ngoài thu nhập cố định, được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đơn vị còn có thêm rất nhiều khoản phụ cấp... để thu hút lao động mới, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh – Trưởng phòng nhân sự công ty cho hay.
Ông Tạ Đình Hùng, trợ lý giám đốc Công ty TNHH Đỉnh vàng, nhà máy giày Nam Đàn cho biết: Hiện nay công ty chúng tôi đang có 700 lao động làm việc và dự kiến sẽ tuyển dụng thêm 200 lao động khác. Hiện chúng tôi ưu tiên tuyển dụng những lao động trẻ tuổi và sẵn sàng đào tạo miễn phí cho người lao động. Ngoài ra, các DN cũng tích cực đẩy mạnh công tác tuyển dụng thông qua hình thức trực tuyến với nhiều quyền lợi, phúc lợi hấp dẫn.
Theo khảo sát của Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam, Trung tâm dịch vụ việc làm, UBND các huyện, thành phố, thị xã, Nghệ An hiện có 278 DN có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng gần 68.000 vị trí việc làm trống. Một số DN sản xuất giày da, may mặc có nhu cầu tuyển dụng số lượng lao động lớn như: Công ty CP tập đoàn An Hưng, Công ty TNHH Matrix Vinh, Công ty TNHH Kiđo Vinh… Cụ thể, có 230 DN trong tỉnh đăng ký tuyển 37.554 lao động. Trong các KCN có 45 DN cần tuyển 14.171 lao động; Ngoài KCN có 185 DN cần tuyển 23.383 lao động; Có 48 DN ngoài tỉnh đăng ký tuyển 30.362 lao động. Trong đó 60-70% nhu cầu nhân lực thuộc ngành dệt may, điện tử, phù hợp với lao động phổ thông. Ngoài ra, nhiều vị trí việc làm cho lao động kỹ thuật cao cần phải qua đào tạo.
Cũng theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 11 tháng đầu năm 2021, Nghệ An đã có 36.999 trên tổng số 45.292 lao động hồi hương có việc làm mới. Trong số này chỉ có 9.089 người làm việc trong doanh nghiệp và khu công nghiệp; có 17.402 người tự tìm việc làm; 10.485 người đã trở lại làm việc tại đơn vị cũ; có 23 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Và một nghịch lý đã xảy ra - đó là người tìm việc nhiều, việc tìm người cũng không ít. Chính vì vậy, tỷ lệ thất nghiệp tại tỉnh này vẫn xếp vào nhóm cao so với nhiều địa phương khác. Để giải bài toán lao động này, Nghệ An đã mở nhiều hội chợ việc làm như một nhịp cầu, tạo cơ hội cho người và việc tìm nhau, gặp nhau. Song, kết quả vẫn chưa có gì khởi sắc. Vừa qua, tại một số địa phương như Kỳ Sơn, Tương Dương... mở nhiều phiên chợ việc làm, nhưng có thể thấy trước nó chỉ mang tính gợi mở chứ không thể coi đó là biện pháp hữu hiệu cho vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động.
Đâu là giải pháp?
Lao động có tay nghề, có trình độ là biện pháp duy nhất để thoát khỏi nguy cơ thất nghiệp hàng loạt. Mà lao động có tay nghề cao thì phải có cơ sở đào tạo bài bản. Nghệ An cũng là địa phương tập trung rất nhiều cơ sở đào tạo, dạy nghề. Nhưng các trung tâm đào tạo này thường chỉ đào tạo một số nhóm nghề, chậm đổi mới quy trình đào tạo, đào tạo theo hợp đồng, theo đơn đặt hàng là chính. Trong khi đó, xu hướng sản xuất công nghiệp từ các dự án đã và đang chuẩn bị đầu tư vào Nghệ An lại rất đa dạng.
Ngay cả lao động không yêu cầu trình độ chuyên môn cao cũng đang thiếu nghiêm trọng tại Nghệ An |
Hơn lúc nào hết các trường nghề, trung tâm đào tạo lao động cần có chuyển biến ngay trong định hướng, đánh giá và tiên lượng nhu cầu xã hội một cách chuẩn xác trước khi đào tạo. Cần phải đi theo xu hướng, đào tạo tay nghề theo đúng yêu cầu của xã hội chứ không phải theo khả năng hiện có.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã có trên 75.858 lao động Nghệ An trở về quê, trong đó có tới 30.566 lao động chưa sẵn sàng trở lại doanh nghiệp đã tạo sức ép cho công tác giải quyết việc làm của địa phương.
Như vậy, đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động được xác định là biện pháp then chốt trong vấn đề giải quyết việc làm. Hiện ngành đang đẩy mạnh và đa dạng các hình thức kết nối để doanh nghiệp và người lao động có thể gặp nhau. Cùng với đó, nâng cao chất lượng nguồn lao động để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng cũng được xác định là giải pháp quan trọng của ngành Lao động trong thời gian tới.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đoàn Hồng Vũ đã trả lời trong phiên chất vấn kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An ngày 8/12 vừa qua, "Trong thời gian tới sẽ tăng cường đào tạo nghề có trình độ cao đẳng, trung cấp, giảm sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng. Gắn đào tạo nghề với đào tạo kỹ năng nghề, kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phối hợp trong dây chuyền làm việc và kiến thức xã hội cho người lao động. Cùng với đó, tăng cường phối hợp "3 nhà" (nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp) để đào tạo gắn với nhu cầu lao động.
Doanh nghiệp sẽ tham gia vào tuyển sinh, xây dựng giáo trình đào tạo, đào tạo và giải quyết việc làm. Khi chất lượng lao động được nâng lên, việc làm bền vững thì người lao động sẽ gắn bó với doanh nghiệp, gắn bó với quê hương...", ông Đoàn Hồng Vũ nêu giải pháp.
Với khoảng 50.000 lao động chưa thể kết nối hay không có nhu cầu trở lại nơi cũ làm việc sẽ tự tạo việc làm trong gia đình, hộ kinh doanh, làng nghề, hợp tác xã, nông lâm trường nhằm ổn định cuộc sống, không nhất thiết “Ly nông” phải “ly hương”.
Trong khuôn khổ phiên chất vấn, kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, chiều ngày 8/12 các đại biểu đã dành nhiều câu hỏi cho về vấn đề giải quyết việc làm, đặc biệt là lao động hồi hương tránh dịch. Ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An - thừa nhận có tình trạng lao động nhiều, doanh nghiệp "khát" nhân lực nhưng người dân vẫn lựa chọn rời quê hương tìm việc làm. Mỗi năm Nghệ An bổ sung cho thị trường khoảng 47.000 lao động, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn không tuyển được người. Nguyên nhân chính được ông Vũ đưa ra là chưa có sự gặp nhau giữa cung -cầu lao động. "Doanh nghiệp cần tuyển lao động có tay nghề, mức lương như vậy nhưng ngược lại, người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp với tay nghề, trình độ và mong muốn của họ, đặc biệt là thu nhập. Đã là thị trường lao động thì người dân có quyền lựa chọn nơi thu nhập cao hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với tay nghề hơn". |