Nghệ An: Doanh nghiệp xoay xở giữ công nhân khi giảm đơn hàng |
Trong một tháng qua, có 5 doanh nghiệp tại Nghệ An cắt giảm hơn 1.200 lao động, trong đó chủ yếu là lao động ngành dệt may, giày da. Hàng loạt công nhân ở Nghệ An lại đột ngột mất việc, cuộc sống thêm chật vật.
Việc sa thải, cắt giảm giờ làm chủ yếu xảy ra ở doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhiều như dệt may, da giày, chế biến gỗ, thủy hải sản, gia công linh kiện điện tử, cơ khí... Nguyên nhân được hầu hết các doanh nghiệp đưa ra, đó là các đơn hàng dịp cuối năm bị các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản cắt giảm nhu cầu tiêu dùng; khó khăn về nguyên liệu, chi phí tăng cao lẫn chịu biến động từ tình hình thế giới.
435/466 lao động thuộc Công ty TNHH Matrix Vinh mất việc làm khi công ty ngừng hoạt động (Ảnh: MT). |
Báo cáo mới nhất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, hiện địa phương này có hơn 14.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 233 doanh nghiệp có vốn Nhà nước, 100 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 13.717 doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Tỉnh Nghệ An có khoảng 231.150 lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp ngoài quốc doanh có 166.452 lao động, con số này tại khối doanh nghiệp có vốn nhà nước khoảng 23.000 người và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 42.000 người.
Về cơ bản hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An ổn định, ngoại trừ một số doanh nghiệp ngành may mặc, điện tử, sản xuất gỗ có biến động nhẹ.
Theo thống kê, tính tới ngày 24/11, trên địa bàn Nghệ An có 5 doanh nghiệp đã giảm từ 100 lao động trở lên trong một tháng qua, với tổng số lao động giảm là 1.257 người, 85% số này là lao động phổ thông. Cụ thể Công ty TNHH Matrix Vinh giảm 435 lao động (trên tổng số 466 lao động toàn công ty); Công ty cổ phần tập đoàn quốc tế ABC- chi nhánh Nghệ An giảm 371 lao động; Công ty TNHH Merry & Luxshare giảm 250 lao động; Công ty TNHH Tân Việt Trung giảm 101 lao động và Công ty CP Thế giới gỗ giảm 100 lao động.
Phân hóa theo ngành nghề, dệt may - da giày chiếm hơn 64,12%, tiếp đến là ngành điện - điện tử chiếm 19,89%, còn lại là lao động thuộc ngành sản xuất sản phẩm gỗ, tre, hóa chất, nhựa. Hiện, số lao động bị giảm này đã chuyển sang làm việc ở các doanh nghiệp khác trên địa bàn.
Trong khi đó, theo số lượng khảo sát của Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 27/11, trên địa bàn tỉnh có 25 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, cắt giảm đơn hàng, chủ yếu là những đơn vị thuộc ngành may mặc, giày da xuất khẩu thị trường Mỹ và châu Âu. Có gần 20.000 lao động bị giảm giờ làm, gần 1.800 lao động chấm dứt hợp đồng và 452 người tạm hoãn hợp đồng lao động.
Các doanh nghiệp ở Nghệ An nỗ lực tối đa để duy trì việc làm cho người lao động, hạn chế chấm dứt hợp đồng lao động, tạm hoãn lao động |
Số liệu khảo sát của các ngành chức năng ở Nghệ An cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn trong 3 tháng tới khá lớn. Hiện có 42 doanh nghiệp chủ yếu ngànhdệt may - da giày, điện tử đang có nhu cầu tuyển hơn 7.200 lao động, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông (chiếm 96,5%).
Dự báo năm 2023 sẽ khó khăn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp xây dựng… do lãi suất, tỷ giá tăng cao; kéo theo số lao động bị ảnh hưởng từ các tỉnh phía Nam bị mất việc làm sẽ trở về địa phương.
Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội Nghệ An giao Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nắm bắt tình hình; khẩn trương cử cán bộ đến các doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm, cho thôi việc nhiều người lao động để tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức dạy nghề cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng hướng dẫn người lao động thực hiện các thủ tục, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, học nghề theo quy định của pháp luật lao động; hướng dẫn cho người sử dụng lao động đào tạo lại cho người lao động theo quy định của pháp luật; đồng thời thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình lao động, việc làm, tiền lương, tiền thưởng tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Về phía Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An cũng đã khẩn trương vào cuộc, chỉ đạo các cấp công đoàn nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh, đơn hàng và tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; tham gia đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động xây dựng phương án duy trì nhiều việc làm nhất có thể cho người lao động, hạn chế tối đa việc chấm dứt hợp đồng lao động, tạm hoãn hợp đồng lao động.
Với những doanh nghiệp buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động, tổ chức công đoàn cơ sở với sự hỗ trợ của công đoàn cấp trên sẽ tham gia ý kiến vào phương án sử dụng lao động của doanh nghiệp, đảm bảo chi trả các chế độ mất việc làm hoặc thôi việc theo đúng quy định của pháp luật và của doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể đã ký kết.