Nghệ An: Giá trâu, bò giảm, người chăn nuôi gặp khó Nghệ An: Giá gia súc “chạm đáy”, người chăn nuôi thua lỗ |
Theo ghi nhận, tại Nghệ An từ khoảng cuối năm 2021, giá trâu, bò hơi đã bắt đầu giảm mạnh. Cụ thể bình thường giá bò hơi ở mức 110-120 ngàn đồng/kg, năm ngoái, giảm khoảng 30% xuống còn 70-80 ngàn đồng/kg và đến nay chỉ còn 5-5,5 triệu đồng/tạ. Giá trâu thịt theo đó cũng giảm mạnh, đến thời điểm tháng 8/2023, giá trâu hơi chỉ còn 5 – 6 triệu đồng/tạ, giảm khoảng 30% so với những năm trước đó.
Mức giá này được duy trì từ cuối năm 2021 đến nay. Trong khi đó, giá thức ăn tăng cao khiến người nuôi không có lãi, thậm chí là thua lỗ kéo dài.
Chợ Ú ở xã Đại Sơn, H.Đô Lương,(Nghệ An) nổi tiếng về mua bán trâu, bò nhưng mấy tháng gần đây kém sôi động, vắng khách (ảnhh: HT) |
Trang trại ông Hồ Sỹ Điều ở xã Nghĩa Tiến, thị xã Thái Hòa, nuôi 1.500 con bò đực sữa lấy thịt, vài chục con trâu, vài chục con bò lai-sind. Thế nhưng, hai năm gần đây, khi giá trâu bò xuống thấp, ông giảm dần quy mô; trước đây có khoảng 1.500 con, nay chỉ dám nuôi khoảng 600 con, riêng trâu và bò lai-sind thì dừng hẳn. “Trâu bò rớt giá thảm hại, trong khi chi phí đầu vào lại tăng cao nên các trang trại chăn nuôi trâu, bò đều thua lỗ nặng”, ông Điều nói.
Tương tự, hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nhung ở Tân Kỳ cũng phải “bán chạy” đàn trâu, tránh tình trạng thua lỗ nặng nề hơn để chờ thị trường phục hồi.
Bà Nhung tính toán, với mức giá như hiện nay, trừ tiền công, tiền mua giống, chi phí thức ăn, lãi ngân hàng vay vốn mua trâu, trung bình bán một con trâu lỗ từ 12 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Người chăn nuôi lâm vào cảnh, bán không được, không bán cũng chẳng xong. “Tôi phải tận dụng tối đa nguồn thức ăn từ đàn trâu như rơm rạ, cỏ trồng tại vườn. Lượng cám cũng được cắt giảm gần một nửa để giảm thiểu thua lỗ. Nếu cứ như tình hình hiện nay, việc tái đàn là điều hết sức khó khăn” - bà Nhung chia sẻ.
Không chỉ có gia đình bà Nhung mà gần 20 hộ chăn nuôi trâu, bò giống ngoại vỗ béo theo hình thức trang trại, quy mô lớn cùng hơn 100 gia trại có chăn nuôi bò ở huyện miền núi Tân Kỳ nay cũng đang đứng ngồi không yên, khi giá trâu, bò chạm đáy, khó tiêu thụ.
Người dân phải tận dụng tối đa nguồn thức ăn cho đàn trâu từ rơm rạ, cỏ trồng tại vườn |
Là khu chợ buôn bán trâu, bò nổi tiếng cả nước với 6 phiên họp mỗi tháng, thế nhưng chợ Ú ở xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, mấy tháng nay luôn đìu hiu.
Theo người dân địa phương, bình thường ở Đại Sơn ngày cũng như đêm luôn có hàng dài các xe tải chở trâu, bò đi và đến, nhất là những ngày sát phiên chợ Ú. Nhưng hiện nay, lượng xe ra vào các điểm đầu mối buôn bán trâu, bò giảm còn khoảng một nửa.
Anh Lê Văn Hải, một người chuyên buôn bán trâu, bò ở chợ này, cho biết đã hơn nửa năm nay giá trâu, bò giảm sâu nên những người làm nghề như anh đang hoạt động cầm chừng. “Trước đây, mỗi tháng tôi chạy khoảng 6 - 8 chuyến xe buôn bán trâu, bò từ Nghệ An vào Phú Yên và ngược lại, xe lúc nào cũng có “hàng” với mỗi xe khoảng 55 – 60 con bò. Nay giá trâu, bò giảm, ế hàng nên mỗi tháng tôi chỉ chạy 2 – 3 chuyến và vốn thì do 7-8 người cùng chung (thay vì 1-2 người như trước đây), xem như giúp nhau góp vốn cầm cự với nghề”.
Nguyên nhân, giá trâu, bò giảm quá mạnh khiến người mua không dám mua vì khó xuất hàng. Giá bò hơi từ 120.000 đồng/kg nay xuống 55.000 - 60.000 đồng/kg, nhưng vẫn ế ẩm. Đáng chú ý, dù giá trâu, bò đã giảm mạnh nhưng thương lái không mua ồ ạt như trước đây nên người chăn nuôi rất khó tìm đầu ra tiêu thụ. Tuy nhiên, nghịch lý giá thịt vẫn ở mức cao, khoảng 190.000 đồng - 230.000 đồng/kg.
Không xuất bán được, nhiều gia đình phải mổ thịt để mang ra chợ bán lẻ, vớt được đồng nào hay đồng đó |
Theo các thương thái buôn trâu, bò ở Nghệ An cho biết ngoài nguyên nhân Trung Quốc một thời gian dài gần như không nhập khẩu trâu, bò và thịt trâu, bò; thời gian gần đây, lượng trâu, bò từ Thái Lan ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam với giá thấp hơn nên thương lái trong nước thua lỗ. Hiện nay, bò có nguồn gốc Thái Lan tại thị trường Việt Nam giá chỉ khoảng 48-50 ngàn đồng/kg, thấp hơn giá trâu, bò nội địa có khi gần chục giá.
Từ việc thị trường trâu, bò giảm sâu, thương lái giảm số lượng thu mua trong thời gian dài nên người dân cũng không mặn mà đầu tư nuôi trâu, bò. Người dân giảm đàn mạnh hoặc “treo chuồng” chờ thị trường phục hồi, một số hộ chuyển đổi sang các vật nuôi khác.
Về những khó khăn trước mắt trong chăn nuôi, ông Hồ Sỹ Điều, chủ trang trại ở xã Nghĩa Tiến, thị xã Thái Hòa mong muốn “Bà con cần có cơ chế hỗ trợ về lãi suất tại các ngân hàng cho người vay vốn đầu tư vào chăn nuôi để vượt qua khó thời điểm khó khăn này. Ngoài ra, cần có định hướng rõ ràng, đưa thông tin thị trường tới người chăn nuôi bền vững hơn…”.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, trong nửa cuối năm 2023, ngành chăn nuôi sẽ còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao. Ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi trâu, bò tiếp tục theo dõi thị trường; không nên tăng đàn trong thời điểm này nhưng cũng không nên giảm đàn ồ ạt khiến nguồn cung bị đứt gãy; chủ động phòng, chống dịch để không bị thiệt hại do dịch bệnh. |