Nghệ An: Nhu cầu tiêu thụ thấp, giá thịt lợn hơi giảm sâu Nghệ An: Giá thức ăn tăng cao, người nuôi tôm gặp khó |
Càng nuôi càng lỗ
Thời kỳ cao điểm, ông Vương Văn Hoàn xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) nuôi từ 30-35 con trâu vỗ béo, với giá bán dao động 90-100.000 đồng/kg, mỗi năm quay vòng 3-4 lứa cũng đem lại nguồn thu nhập khá cao cho gia đình, khoảng 200 triệu đồng/năm.
Khác với không khí nhộn nhịp thường thấy trước đây, hai năm nay, giá trâu xuống thấp, lại khó tiêu thụ nên gia đình ông Hoàn lâm vào cảnh thua lỗ. “Các năm trước, giá trâu rẻ nhất cũng dao động từ 70-75.000 đồng/kg, từ năm 2022 đến nay, giá trâu hạ dần, từ 70.000 đồng/kg vào thời điểm tháng 5/2022 nay chỉ còn 50-55.000 đồng/kg. Với mức giá này, trung bình mỗi con trâu lỗ khoảng 5-7 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc”, ông Hoàn nói.
Thời điểm này, giá trâu thịt chỉ còn ở mức 50.000-55.000 đồng/kg, giảm 50% so với trước đó, nhiều hộ chỉ nuôi cầm chừng bán cắt lỗ. |
Cũng như gia đình ông Vương Văn Hoàn – 12 thành viên trong tổ hợp tác chăn nuôi trâu bò vỗ béo xã Nghĩa Đồng cũng rơi vào cảnh lao đao. Được biết, hộ nuôi nhiều nhất cũng 30-40 con trâu, bò; hộ ít cũng 10-15 con trâu, bò.
Hai năm nay, giá trâu, bò xuống thấp gia đình ông Phan Văn Chính xóm 7, xã Nghĩa Đồng, nuôi 20 con trâu, dù đã đến kỳ xuất chuồng nhưng giá xuống quá thấp nên ông đang do dự, chưa muốn bán. “Với mức giá hiện nay thì lỗ quá nặng. Đang cầm cự xem giá cả có nhích lên không. Mỗi con trâu bán với giá hơi 50.000 đồng/kg thì lỗ khoảng 7-8 triệu đồng, đó là thức ăn thô, thức ăn xanh mình còn chủ động, tự túc được…”, ông Chính cho biết.
Đang nuôi duy trì 60 con bò, chị Bùi Thị Minh ở xóm Xuân Đình, xã Châu Đình (huyện Quỳ Hợp) cho biết: Giá bò đực 3B hiện chỉ còn 75-80.000 đồng/kg (giảm 25-30.000 đồng/kg), giá bò đực sữa giảm còn 62.000 đồng/kg (giảm 20-25.000 đồng/kg) nên càng nuôi nhiều càng lỗ. Trong khi đó, giá thức ăn công nghiệp, giá cỏ, rơm, cám ngô, cám lúa đều tăng, ngoài ra còn tiền điện, tiền thú y, nhân công, tính ra, lỗ cả trăm triệu đồng. Sắp tới, giá bò không tăng thì đành chấp nhận bán “cắt lỗ” rồi tính phương án khác…
Tại huyện Đô Lương, khó khăn chồng chất, khi nhiều hộ làm nghề vỗ béo trâu bò ở các xã Trù Sơn, Đại Sơn, Hiến Sơn…phải mua thức ăn công nghiệp, mua cỏ, mua rơm, mua tinh bột và thuê người chăn thả…nên số vốn đầu tư cho trâu, bò cao gấp nhiều lần. Do đó, khi thị trường chững lại và giá cả xuống thấp thì việc bù lỗ càng cao. “Hộ nuôi ít thì đỡ lỗ hơn, còn càng nuôi nhiều, quy mô lớn, vốn đầu tư lớn, chi phí đầu vào lớn thì càng lỗ. Những hộ nào nuôi số lượng 50-100 con thì số tiền lỗ lên đến cả tỷ đồng…”, anh Nguyễn Văn Công, chủ một trang trại chăn nuôi ở Hiến Sơn cho biết.
Vì sao Trung Quốc mở cửa, giá trâu bò vẫn thấp?
Giá trâu – bò xuống thấp lại khó tiêu thụ do đó, sức mua cầm chừng. Theo một số thương lái, những năm trước, trâu bò Nghệ An chủ yếu nhập ra các tỉnh phía Bắc, từ đó, xuất bán sang Trung Quốc. Hai năm nay, khi Trung Quốc đóng cửa biên giới nên trâu bò không có nơi tiêu thụ, do đó, giá cả xuống thấp.
Nguyên nhân của giá trâu, bò "chạm đáy" là do việc xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn, thị trường trong nước bão hoà và vấn đề cạnh tranh với thịt trâu bò nhập ngoại. (Trong ảnh: Chợ trâu- bò Hiến Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An). |
Tuy nhiên, đầu năm 2023, mặc dù phía Trung Quốc mở cửa trở lại song hoạt động buôn bán trâu bò vẫn rất khó khăn do việc xuất khẩu tiểu ngạch vẫn bị hạn chế, trong khi chính xuất khẩu trâu bò chính ngạch gặp không ít khó khăn.
Bên cạnh đó, tổng đàn trâu bò trong cả nước tăng mạnh những năm gần đây khiến thị trường nội địa bão hoà; cùng với đó là lượng thực phẩm nhập khẩu gia tăng, giá cả cạnh tranh đã phần nào tác động lên giá trâu bò.
Anh Ngô Trí Tuấn - Thương lái chuyên thu mua trâu bò ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) cho biết: “Hiện, giá trâu thì đang chạm đáy, còn giá bò xuống thấp. Việc tiêu thụ cũng gặp không ít khó khăn khi các đầu nậu phía Bắc thu mua cầm chừng, thị trường nội tỉnh thì nhu cầu ít. Vào thời kỳ cao điểm, mỗi tháng, tôi bán ra các tỉnh phía Bắc khoảng 100 con trâu bò các loại thì nay, lượng trâu bò bán ra giảm còn 1/3…”.
Nghệ An là tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn thuộc tốp đầu cả nước, theo số liệu của Cục thống kê tỉnh Nghệ An, đến tháng 3/2023 tổng đàn trâu bò 787.853 con (trong đó đàn trâu 266.882 con, đàn bò 520.971 con), chủ yếu là trâu bò vỗ béo để bán thịt.
Thời điểm này, giá trâu bò xuống thấp, khó tiêu thụ khiến người chăn nuôi lao đao. Một số hộ muốn giữ vốn, tận dụng diện tích cỏ voi, phụ phẩm nông nghiệp nên vẫn nuôi cầm cự; đa phần người dân giảm đàn và một số trang trại đã chuyển hướng sang các vật nuôi khác, tránh thua lỗ kéo dài.
Ông Vương Văn Hoàn - Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi trâu bò vỗ béo xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) cho biết: Nghề chính của chúng tôi là nuôi trâu bò vỗ béo. Thế nhưng như tình hình giá cả, thị trường tiêu thụ hiện nay thì thua lỗ nặng. Giờ, không nuôi thì lãng phí chuồng trại, phụ phẩm nông nghiệp và mỗi nhà từ 1-2ha cỏ voi không biết dùng vào việc gì. Do đó, đành giảm đàn, nuôi cầm cự dăm bảy con thôi...
Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài, để tận dụng tiềm năng, lợi thế chăn nuôi đại gia súc thì ngành chăn nuôi cũng như các hộ cần đầu tư nâng cao giá trị sản phẩm trâu, bò thương phẩm trên địa bàn; xây dựng vùng an toàn dịch bệnh được chứng nhận; xây dựng thương hiệu cho chăn nuôi gia súc như phát huy thế mạnh của các loại trâu bò bản địa, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ, khép kín… hướng tới xuất khẩu chính ngạch. Song song với đó, người chăn nuôi cần liên kết theo chuỗi sản phẩm, đẩy mạnh chuyển đổi số, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.